Bảo đảm nguồn cung sản phẩm chăn nuôi dịp Tết

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2021, ngành chăn nuôi của thành phố Hà Nội vẫn tăng trưởng mạnh, với sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 405 nghìn tấn, tăng hơn 7% so cùng kỳ năm 2020, cơ bản bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Thu hoạch trứng gà tại trang trại ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: THU HÀ

Thu hoạch trứng gà tại trang trại ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: THU HÀ

Hơn tháng trước, anh Nguyễn Văn Diện, chủ trang trại chăn nuôi gà đồi Ba Vì ở xã Thái Hòa, huyện Ba Vì bán đàn gà hơn 2.000 con. Mặc dù giá bán chỉ gần 80 nghìn đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi, các loại thuốc thú y... đều tăng cao, nhưng anh vẫn mạnh dạn đầu tư vào đàn gần 3.000 con để phục vụ thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Anh Diện cho biết, thời tiết năm nay ấm, ít mưa ẩm, cho nên việc chăn nuôi thuận lợi hơn. Đàn gà phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, chi phí thuốc thú y, công chăm sóc cũng giảm bớt. Anh Diện hy vọng, nhờ lợi thế gà đồi có chất lượng thịt thơm ngon, trọng lượng vừa phải và hình thức đẹp, đàn gà của gia đình sẽ bán được giá cao.

Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì cho biết, năm 2021 đàn vật nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn. Để phục vụ nhu cầu thị trường Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp đã chủ động hướng dẫn người dân, nhất là các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn tập trung xa khu dân cư thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, phòng dịch và tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân huyện đã công bố từ đầu năm 2022 hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn trong thời gian tới, trước mắt là phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2021, ngành chăn nuôi thành phố chịu tác động rất mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19. Giá cả các sản phẩm chăn nuôi, con giống biến động thường xuyên, không ổn định, trong khi giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng cao, gây khó khăn lớn cho người chăn nuôi. Có thời điểm giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm còn 35.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông trắng xuống dưới giá thành, trong khi giá thức ăn tăng hơn 20%, thuốc thú y tăng đến 180%. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các cơ sở chăn nuôi vẫn nỗ lực tăng tổng đàn, cung cấp lượng lớn thịt các loại cho thị trường. Tổng đàn trâu 27.500 con, tăng 5,21% so cùng kỳ năm 2020, đàn bò hơn 130.000 con, đàn lợn 1,37 triệu con, tăng hơn 9% và đàn gia cầm 39,8 triệu con. Sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 405.410 tấn, tăng 7% so cùng kỳ năm trước. Đáng mừng là thời điểm cuối năm, giá bán các loại thịt có xu hướng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi tăng đàn, tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Dự kiến dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Thủ đô tăng từ 20 đến 30%, ngành nông nghiệp thành phố đã chủ động lập kế hoạch nguồn cung. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện sản lượng gia cầm, thủy sản sản xuất trên địa bàn thành phố đã cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân. Sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn, thịt gà… đáp ứng từ 70 đến 90% nhu cầu. Để phục vụ nhu cầu nông sản, nhất là các mặt hàng thịt trong dịp Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, với nhiều giải pháp phù hợp từ nhiều tháng trước. Đối với những mặt hàng còn thiếu, ngành nông nghiệp phối hợp các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị lượng hàng hóa đầy đủ, kịp thời, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Để ngăn chặn nguồn nông sản kém chất lượng tung ra thị trường trong dịp Tết, lực lượng chức năng ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm.

MINH VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-tin-chung/bao-dam-nguon-cung-san-pham-chan-nuoi-dip-tet-682221/