Bảo đảm nguồn cung vắc-xin ngừa Covid-19

Theo TTXVN và tin nước ngoài, Bộ Ngoại giao Bra-xin cho biết, Bộ Y tế Bra-xin đang phối hợp Ðại sứ quán nước này ở Oa-sinh-tơn đàm phán với Mỹ về khả năng nhập vắc-xin ngừa Covid-19 dư thừa của quốc gia Bắc Mỹ này. Thông tin được đưa ra sau khi Chủ tịch Thượng viện Bra-xin công bố bức thư ông gửi Phó Tổng thống Mỹ K.Ha-rít đề nghị cho phép Bra-xin được chấp thuận mua vắc-xin mà Mỹ đang có trong kho dự trữ nhưng chưa sử dụng.

Theo TTXVN và tin nước ngoài, Bộ Ngoại giao Bra-xin cho biết, Bộ Y tế Bra-xin đang phối hợp Ðại sứ quán nước này ở Oa-sinh-tơn đàm phán với Mỹ về khả năng nhập vắc-xin ngừa Covid-19 dư thừa của quốc gia Bắc Mỹ này. Thông tin được đưa ra sau khi Chủ tịch Thượng viện Bra-xin công bố bức thư ông gửi Phó Tổng thống Mỹ K.Ha-rít đề nghị cho phép Bra-xin được chấp thuận mua vắc-xin mà Mỹ đang có trong kho dự trữ nhưng chưa sử dụng.

Giới chức bang Phlo-ri-đa của Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm đối với thành phố Mai-a-mi nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong dịp nghỉ xuân. Hiện Mỹ đang đẩy mạnh chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, song số ca nhiễm mới tại nước này vẫn ở mức cao (hơn 50.000 ca/ngày).

Chi-lê ghi nhận số ca mắc cao chưa từng có trong một ngày với 7.084 trường hợp, trong bối cảnh làn sóng dịch thứ hai đang lây lan mạnh ở quốc gia Nam Mỹ. Chính phủ Chi-lê đang triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vắc-xin đại trà cho người dân, với khoảng 5,5 triệu người đã được tiêm ít nhất một mũi.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo sẽ cấm hãng dược phẩm AstraZeneca xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19 nếu các nước thành viên EU không được nhận vắc-xin đầu tiên. Công ty dược phẩm này mới chỉ giao 30% trong số 90 triệu liều vắc-xin AstraZeneca đã thỏa thuận trong quý I-2021.

Nhật Bản đang cân nhắc yêu cầu tất cả khách nước ngoài tới nước này phải xét nghiệm biến thể mới của Covid-19. Thủ tướng Nhật Bản cũng yêu cầu đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Theo đó, sẽ duy trì quy mô tiêm chủng 80.000 người/ngày đối với các nhân viên y tế và từ ngày 12-4 sẽ bắt đầu tiêm cho người cao tuổi.

Hội nghị cấp cao EU dự kiến diễn ra trong hai ngày 25 và 26-3 tới tại Brúc-xen (Bỉ), sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến do làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba trong khu vực diễn biến phức tạp. Quyết định được người đứng đầu Hội đồng châu Âu S.Mi-sen đưa ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng vọt ở các quốc gia thành viên EU.

Ủy ban châu Âu đề xuất thiết lập một tài liệu mang tên "chứng chỉ xanh kỹ thuật số", đưa ra cách tiếp cận thống nhất trên cấp độ châu Âu, trước nhu cầu về "hộ chiếu vắc-xin" cho phép công dân châu Âu đi lại trong lãnh thổ của EU. Chứng chỉ này cho phép công dân châu Âu và công dân nước thứ ba sống trên lãnh thổ của EU có thể chứng nhận sự miễn dịch theo ba cách khác nhau.

CH Séc và Ðức đưa Ba Lan vào danh sách các quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất do số ca nhiễm tăng mạnh. Danh sách các quốc gia có nguy cơ cao còn có Bun-ga-ri và Síp.

Hàng nghìn người tập trung tại một quảng trường ở trung tâm thành phố Ca-xen của Ðức để biểu tình phản đối các biện pháp phòng dịch. Ðây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất tại Ðức kể từ khi đại dịch bùng phát, thu hút sự tham gia của những người bài vắc-xin và những phần tử cực đoan cánh hữu.

Bộ Y tế Hung-ga-ri thông báo nước này có thêm 11.132 ca mắc Covid-19, mức cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số bệnh nhân lên 560.971 người, trong đó có 18.068 ca tử vong.

Hơn năm triệu người In-đô-nê-xi-a được tiêm phòng Covid-19, trong đó có hơn 2,2 triệu người đã được tiêm mũi thứ hai. Nước này gần hoàn thành mục tiêu tiêm chủng giai đoạn I cho các nhân viên y tế.

Ngày 21-3, Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao cùng Bộ Văn hóa - Nghệ thuật của Cam-pu-chia thông báo đóng cửa tạm thời toàn bộ trường học các cấp, rạp hát, trung tâm chiếu phim và bảo tàng trên cả nước để ngăn chặn dịch lây lan. Nước này vừa phát hiện thêm 58 ca mắc mới Covid-19.

Chính phủ Phi-li-pin sẽ mở rộng phạm vi áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt chống dịch, theo đó bổ sung bốn tỉnh giáp ranh vùng thủ đô Ma-ni-la. Chính phủ đã triển khai thêm nhiều cảnh sát để giám sát việc thực thi. Các biện pháp hạn chế có hiệu lực đến ngày 31-3.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí The Lancet cho biết, khoảng 40% bệnh nhân dương tính với Covid-19 ở Vũ Hán (Trung Quốc) có các kháng thể có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ tái nhiễm trong ít nhất 9 tháng. Mức kháng thể ở người nhiễm không có triệu chứng thấp hơn ở những bệnh nhân đã được xác nhận và các ca nhiễm có triệu chứng.

Thủ tướng Pa-ki-xtan I.Khan có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, sau khi tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên hôm 18-3. Tuy nhiên, nhiều khả năng Thủ tướng I.Khan đã nhiễm bệnh trước khi được tiêm. Bộ trưởng Văn hóa Pháp R.Ba-sơ-lô cũng thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng, đại dịch đã gây ra thiệt hại lớn ở Tuy-ni-di và ở mọi nơi trên khắp thế giới. Theo ông, số ca tử vong và nhập viện giảm trong thời gian gần đây cho thấy các biện pháp y tế công của Tuy-ni-di có hiệu quả, nhưng với sự xuất hiện của các biến thể mới, hiện không phải là thời điểm hạ thấp cảnh giác, ngay cả khi đã có vắc-xin.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 21-3, toàn thế giới ghi nhận hơn 123,5 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2,72 triệu ca tử vong. Số người được điều trị khỏi bệnh là hơn 99,5 triệu người.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/bao-dam-nguon-cung-vac-xin-ngua-covid-19-639277/