Bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông xuân
Lịch gieo cấy các loại cây trồng trà xuân chính vụ và xuân muộn trong vụ đông xuân 2019-2020 bắt đầu từ tháng 2-2020, thời điểm này, nhu cầu sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất lớn.
Được cung cấp đủ nguồn nước nên bà con nông dân xã Đông Ninh (Đông Sơn) tiến hành làm đất gieo cấy vụ đông xuân 2019-2020.
Tuy nhiên, hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang có tới 332/610 hồ chứa thấp hơn mực nước thiết kế từ 1m trở lên. Trong đó, có 24 hồ từ mực nước chết trở xuống, riêng 3 hồ chứa nước lớn, gồm: Hồ chứa nước Cửa Đạt (Thường Xuân) thấp hơn so với mực nước thiết kế 14,99m; hồ Sông Mực (Như Thanh) thấp hơn so với mực nước thiết kế 1,78m; hồ Yên Mỹ (Nông Cống) thấp hơn so với mực nước thiết kế 1,03m. Trong khi đó, dự báo trong vụ đông xuân năm nay tổng lượng mưa ở mức thấp hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, nhiệt độ không khí ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm, lượng dòng chảy cơ bản trên các sông chính trong mùa cạn năm 2020 có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10 đến 30%.
Trên cơ sở tình hình thực tế về nguồn nước của các hồ chứa, nhận định xu thế về thời tiết, thủy văn vụ đông xuân 2019-2020, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa dự báo thời điểm đầu vụ khi đổ ải vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2020, diện tích có khả năng thiếu nước khoảng 24.000 – 25.500 ha. Trong đó, vùng phụ thuộc nguồn nước hồ đập lớn khoảng 5.500 – 6.000 ha; vùng đồng bằng ven biển và vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn từ 7.000 – 7.700 ha; vùng đồng bằng, trung du tưới bằng bơm điện từ 7.000 – 7.300 ha; vùng phụ thuộc nguồn nước hồ đập nhỏ và các công trình đang thi công chưa kịp tích nước khoảng 4.500 ha.
Căn cứ vào các nhận định về thời tiết, mực nước và diện tích có khả năng thiếu nước của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, để bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất trong toàn vụ, các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi đã tiến hành đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước của từng công trình đầu mối với nhu cầu sử dụng nước của các hộ dân, chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn. Trong quá trình cấp nước, điều hòa phân phối nguồn nước hợp lý, tiết kiệm nhằm hạn chế tối đa hiện tượng thất thoát nước, lấy trước tràn lan gây lãng phí. Lập lịch tưới luân phiên cho các kênh trong từng hệ thống tưới, tuyên truyền công khai lịch tưới rộng rãi để người dân biết và thực hiện. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền các địa phương dẫn nước tưới theo phương châm cao xa trước, thấp gần sau, nhất là trong thời kỳ căng thẳng về nguồn nước, tránh tình trạng tranh chấp lấy nước khi hạn hán xảy ra, gây khó khăn trong công tác điều hành chống hạn.
Bước vào đầu vụ sản xuất, do ảnh hưởng của các trận mưa, lũ năm 2019, nên nhiều công trình thủy lợi đã bị hư hỏng chưa được tu sửa. Vì vậy, các đơn vị khai thác các công trình thủy lợi đang tích cực phối hợp với các sở, ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương để thực hiện kiểm tra, tu sửa máy móc, thiết bị, các sự cố hư hỏng công trình để kịp thời, chủ động hỗ trợ tưới phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Đồng thời, nạo vét các cửa lấy nước ở trạm bơm, tu sửa phần cơ, phần điện của các trạm bơm tưới, sẵn sàng vật tư để nối dài ống hút có thể khi mực nước xuống thấp, nhất là đối với các trạm bơm tưới trên triền sông; xây dựng kế hoạch lắp đặt bổ sung máy bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước, bơm chuyền, bơm tiếp nguồn khi có hạn hán xảy ra.
Đồng hành cùng các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trong việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp và các địa phương đã có kế hoạch bố trí lịch thời vụ phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tập trung chỉ đạo, kiên quyết không cho bà con nông dân cấy cưỡng ở những nơi không đủ nguồn nước trong toàn vụ. Khẩn trương thực hiện kế hoạch làm thủy lợi mùa khô của năm 2019 nhằm bảo đảm hệ thống công trình thủy lợi thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng nhằm tạo thuận lợi để bà con nông dân lấy nước vào ruộng trong quá trình sản xuất và chăm sóc.