Bảo đảm nhân quyền để 'không ai bị bỏ lại phía sau'
Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, trực tiếp đe dọa tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, thiết thực để vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm 'không để ai bị bỏ lại phía sau'. Khi làn sóng dịch thứ tư xảy ra, phương châm này tiếp tục được thực hiện một cách nhất quán. Ðây là lựa chọn hết sức đúng đắn bởi dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn cần bảo đảm quyền sống, quyền phát triển của con người và xã hội.
Năm 2020, trước các nguy cơ mà dịch Covid-19 đã và đang đe dọa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - nay là Chủ tịch nước, thay mặt Ðảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Từ đó đến nay, phương châm hành động này luôn được triển khai thực hiện có tính nguyên tắc, thể hiện qua các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, hành động của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, xã hội và toàn dân,… Kể cả trong bối cảnh đất nước có sự chuyển giao và kiện toàn bộ máy lãnh đạo, phương châm và các quyết sách đó vẫn luôn nhất quán, là ưu tiên số một, luôn thống nhất duy trì thực hiện ở mức cao nhất. Mọi sự thay đổi chỉ là sự điều chỉnh về mặt chiến lược để phù hợp với tình hình, diễn biến thực tế của dịch bệnh. Với bản chất nhân văn của chế độ xã hội, việc bảo đảm nhân quyền trước hết phải là bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân, và dù khó khăn đến đâu cũng không thể để nhân dân lâm cảnh thiếu, đói.
Nhiều lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và chính quyền địa phương, lãnh đạo ban, ngành liên quan đã trực tiếp có mặt tại các “điểm nóng” để kiểm tra, thị sát diễn biến của dịch bệnh, qua đó kịp thời phối hợp tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch quyết liệt và bảo đảm an sinh xã hội. Như mới đây, khi làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã tới các địa phương được coi là “tâm dịch” như Bắc Giang, Bắc Ninh, Ðồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… Ðồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản về phòng, chống dịch, trong đó có ba văn bản quan trọng, gồm: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” giúp tháo gỡ một số thủ tục hành chính, bảo đảm người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận nhanh nhất gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ khác; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 26/5/2021 “Về việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19” và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 “Phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19” khẳng định việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần có sự tham gia, đóng góp công sức, tiền bạc của mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đồng hành cùng Chính phủ.
Dù vắc-xin (vaccine) phòng Covid-19 đang rất khan hiếm trên phạm vi toàn cầu, nhưng đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn khác nhau, như: hợp đồng đã đặt mua từ trước, viện trợ song phương giữa Việt Nam với một số quốc gia và Cơ chế COVAX (Tiếp cận toàn cầu đối với vaccine phòng ngừa Covid-19). Ðó là kết quả từ sự nỗ lực quyết liệt nhưng rất chủ động linh hoạt,… của Chính phủ, tạo nền tảng để “Chiến dịch toàn quốc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19” được triển khai từ tháng 7/2021 với 18.000 điểm tiêm trên cả nước (gồm cả tiêm chủng lưu động). Kinh phí cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay được bảo đảm bởi ngân sách, Quỹ vaccine phòng Covid-19, các nguồn viện trợ. Ðó cũng là cơ sở để nhiều triệu người Việt Nam được tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm tiến tới mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, bảo đảm sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của mọi người dân trước đại dịch.
Thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua đã cho thấy rất rõ để toàn dân được thụ hưởng nhân quyền, Ðảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn xác định nhân quyền phải thuộc về nhân dân và vì nhân dân, đồng thời định rõ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, t.9, tr.518). Trách nhiệm đó được thể hiện hết sức quyết liệt, cụ thể khi Ðảng, Nhà nước và Chính phủ thường xuyên kịp thời có các quyết sách, chỉ đạo, lãnh đạo, thực thi rất nhiều biện pháp đưa đất nước vượt qua ba làn sóng đại dịch trước đây và đang nỗ lực vượt làn sóng dịch thứ tư. Vào những ngày này, từ việc xác định sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu, mọi “điểm nóng” về dịch bệnh đã được quan tâm ở mức cao nhất, một mặt khẩn trương cung cấp vaccine và tổ chức tiêm phòng, tập trung chữa trị, điều tra, truy vết, khoanh vùng, xây dựng khu cách ly, bệnh viện dã chiến, huy động nhân lực hỗ trợ từ ngành chức năng, từ các địa phương,… cùng nỗ lực dập dịch, mặt khác huy động mọi nguồn lực để bảo đảm an toàn an sinh xã hội. Ðặc biệt, Nghị quyết số 68/NQ-CP với việc mở rộng phạm vi, hình thức, đối tượng hỗ trợ,… chú trọng các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương (như người nghèo, lao động tự do,…) đã thể hiện rất rõ tính nhân văn trong chính sách xã hội, thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ðây vừa là giải pháp hỗ trợ rất cần thiết ở thời điểm hiện tại, vừa tạo điều kiện giúp người lao động, người sử dụng lao động tăng cường khả năng trụ vững và vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, tiếp tục lao động, sản xuất, kinh doanh. Và không chỉ hỗ trợ, mà cùng với đó là nỗ lực điều phối lương thực, thực phẩm, các vật dụng sinh hoạt,… bảo đảm ổn định cuộc sống hằng ngày của nhân dân ở các khu vực cách ly, nơi hoạt động sản xuất tạm thời ngưng trệ. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương cũng khẩn trương đưa - đón công dân từ vùng dịch trở về, thậm chí lo từng bữa ăn, lít xăng khi đi đường…
Ðồng thời, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ cũng hết sức nỗ lực để ổn định, tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, theo như Bộ Công thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, như: công nghiệp và xây dựng tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng 11,42%; sản xuất, phân phối điện tăng 8,16%... Cụ thể, trong sản xuất: kim loại tăng 37%; xe có động cơ tăng 33,1%; sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 12,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,1%... Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, ước tính IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp) đã tăng 9,3% so cùng kỳ năm trước. Về nông nghiệp, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2021 cả nước gieo cấy khoảng 5,23 triệu ha lúa, năng suất 67,7 tạ/ha, sản lượng đạt 21,58 triệu tấn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so cùng kỳ năm 2020, trong đó nông sản chính là 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản là 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản là 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%... Nổi lên là một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như cao-su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả và trái cây, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm…
Lường trước khó khăn từ dịch bệnh, Chính phủ, chính quyền các địa phương đã chủ động một mặt sớm kết nối xây dựng kênh trao đổi, cung cấp thông tin để phân tích, đánh giá, dự báo, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, ứng phó kịp thời trong hoạt động xuất khẩu; một mặt hướng dẫn sản xuất đáp ứng yêu cầu của các thị trường vốn “rất khó tính”. Thí dụ tiêu biểu là do đã dự liệu, chuẩn bị từ trước, nên dù vải thiều chín đúng lúc đại dịch xảy ra tại Bắc Giang thì 200.000 tấn vải thiều của tỉnh vẫn được xuất khẩu tới nhiều nước, doanh thu đạt hơn 6.800 tỷ đồng, và câu chuyện “giải cứu” đã không phải đặt ra.
Xét từ nhu cầu từng cá nhân trong thời điểm dịch bệnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền có thể chưa hoàn toàn như kỳ vọng của từng người, nhưng đánh giá trên diện rộng có thể thấy đây là nỗ lực rất lớn của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, đang gặp rất nhiều khó khăn. Ðiều đó không chỉ là sự thể hiện bản chất nhân văn của chế độ xã hội với mục đích “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà qua việc quyết liệt tiếp cận thực hiện “mục tiêu kép”, cần nhận thức đó là mục tiêu quan trọng để bảo đảm nhân quyền. Bởi nếu phòng, chống dịch bệnh là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, thì tăng trưởng kinh tế là bảo đảm ổn định, từng bước nâng cao mức sống của nhân dân. Ðiều này lý giải vì sao “mục tiêu kép” được toàn dân tin tưởng, ủng hộ, luôn đồng lòng, nỗ lực cùng Ðảng, Nhà nước và Chính phủ thực hiện. Ðại dịch Covid-19 có thể còn đưa tới nhiều khó khăn không thể lường trước, thái độ và hành động đó càng trở nên cần thiết và cần nâng lên tầm cao mới. Bởi, khi mỗi người dân đều tin tưởng, ủng hộ, ra sức đồng hành, nỗ lực cùng Ðảng, Nhà nước và Chính phủ thực hiện các mục tiêu mà chúng ta đặt ra, cũng tức là mỗi người đã hành động vì nhân quyền của chính mình, rộng hơn là vì nhân quyền của toàn xã hội.