Bảo đảm nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án quan trọng quốc gia

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Chiều 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: VPQH

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. Ảnh: VPQH

Đề xuất điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch do có sự thay đổi các quy định của pháp luật về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; có sự thay đổi về nhu cầu sử dụng đất sau khi Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội phê duyệt và do yêu cầu về rà soát, điều chỉnh định kỳ Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và các Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

Cụ thể hơn, theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, đến nay nhiều chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia không còn phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tại thời điểm Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 thì Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh mới đang tổ chức lập, chưa được phê duyệt.

Do đó, các Bộ, ngành và địa phương chưa xác định đầy đủ nhu cầu sử dụng đất để đăng ký trong Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Sau khi các quy hoạch này được phê duyệt, đã làm phát sinh tăng hoặc giảm nhu cầu sử dụng đất.

Cùng với đó, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách về tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, trong đó có nhiều dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, Trung ương Đảng cũng đã cho chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với quy mô sử dụng đất khoảng 10.827 ha (dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) dẫn đến làm tăng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.

Chỉ cần Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam thì chỉ tiêu đất giao thông sẽ tăng lên rất lớn, chắc chắn không thể lấy đất nào khác ngoài 3,5 triệu ha đất nông nghệp và 15,6 triệu ha đất lâm nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Theo đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch với 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất quốc phòng, đất an ninh); không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

Tán thành sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia vì các căn cứ và nội dung như Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ, trường hợp Quốc hội quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì có bao nhiêu quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia hoặc các quy hoạch khác liên quan phải thực hiện điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ theo quy định của Luật Quy hoạch và tác động của việc điều chỉnh Quy hoạch đối với các quy hoạch khác.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất; tiếp tục rà soát, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm sát với nhu cầu thực tiễn…

Sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất đai

Thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ hơn căn cứ theo quy định của Luật Quy hoạch để đề xuất điều chỉnh Quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Cùng với đó, Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động, làm rõ tác động của việc điều chỉnh Quy hoạch đến các quy hoạch thấp hơn của Quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia như quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt để các đại biểu Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho cả nước và từng địa phương nên phải làm đồng bộ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ các mục tiêu, nguyên tắc để trên cơ sở đó Chính phủ tổ chức điều chỉnh Quy hoạch.

Đồng thời, trên sở kết quả rà soát Quy hoạch, cần chỉ ra được những chỉ tiêu sử dụng đất đang được thực hiện kém hiệu quả, những chỉ tiêu cần điều chỉnh tăng - giảm.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nêu rõ định hướng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện Quy hoạch thời gian qua. Đây là vấn đề quan trọng nhất trong việc xin chủ trương điều chỉnh Quy hoạch.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch theo đề xuất của Chính phủ; yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm về số liệu tình hình thực hiện Quy hoạch và nhu cầu sử dụng đất đã nêu trong Tờ trình.

UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội; lưu ý một số nội dung như bổ sung thêm một số hồ sơ, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến phải điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất, bổ sung đánh giá tính cấp thiết cần phải điều chỉnh Quy hoạch.

Cùng với đó, phân tích, đánh giá toàn diện, làm rõ hơn nữa các nguyên nhân đề xuất, các căn cứ, giải pháp, lưu ý các chỉ tiêu, cải thiện hiệu quả việc thực hiện Quy hoạch và việc phải điều chỉnh quy hoạch đất, sử dụng đất; đánh giá tác động của việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến việc phải điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, tác động đến quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng, việc phát triển các công nghiệp, khu công nghệ cao để sử dụng đất một cách hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Quá trình lập điều chỉnh quy hoạch đất cần bảo đảm các định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước trong việc giữ hợp lý diện tích đất lúa, độ che phủ rừng, quan tâm đến việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất để ứng phó với biến đổi khí hậu và đất cho quốc phòng, an ninh.

Cũng trong chiều nay, UBTVQH xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho Văn phòng Trung ương Đảng. Theo đó, với 100% Ủy viên UBTVQH biểu quyết tán thành, UBTVQH đã thống nhất bổ sung dự toán kinh phí chi quản lý hành chính của ngân sách nhà nước năm 2024 của ngân sách trung ương cho Văn phòng Trung ương Đảng là 100 tỷ đồng, để thực hiện Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2021-2025.

Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tính đầy đủ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung dự toán, giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng quyết toán kinh phí được phân bổ đúng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; đảm bảo triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bao-dam-nhu-cau-su-dung-dat-cho-cac-cong-trinh-du-an-quan-trong-quoc-gia-35416.html