Bảo đảm nước cho sản xuất nông nghiệp
Nhiều tháng qua, thời tiết hanh khô và không mưa gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo của cơ quan chức năng, diễn biến này sẽ còn kéo dài trong những tháng tới. Do vậy, việc triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn nước tưới cho vụ chiêm xuân đã được ngành Nông nghiệp chủ động nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Bảo dưỡng, thay thế ở nhiều trạm bơm
Thông thường vào mùa khô hạn, tại một số cánh đồng thuộc diện cao, cuối kênh, tận máng sẽ khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn nước tưới. Tuy nhiên, do công tác thủy lợi được quan tâm nên mấy tháng nay, dù trời không mưa nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con vẫn diễn ra thuận lợi, nước tưới bảo đảm.
Tại xã Đông Phú (Lục Nam), vụ đông xuân năm nay, người dân trên địa bàn gieo cấy hơn 200 ha, chủ yếu là rau màu. Tuy nhiên, do nằm ở vị trí cuối kênh của trạm bơm Vân Sơn (Lạng Giang) nên việc đưa nước về đồng thường khó khăn hơn những vùng trũng thấp. Để khắc phục, xã đã làm tốt thủy lợi nội đồng, vận động nhân dân thường xuyên thăm ruộng be bờ, chống rò rỉ nước; tổ chức khơi thông dòng chảy, tuyên truyền người dân không vứt rác thải xuống kênh mương. Theo đại diện lãnh đạo xã, ngoài nguồn nước tưới được trạm bơm Vân Sơn cấp, năm nay, lượng nước một số hồ chứa như: Suối Nứa, Va, Cây Đa... khá dồi dào, thuận lợi đưa nước về đồng ruộng phục vụ sản xuất.
Tìm hiểu tại các cánh đồng trồng rau màu khác được xem là khu vực cao, cuối kênh thuộc các xã: Tam Dị, Chu Điện, Cẩm Lý (Lục Nam), thị trấn Kép, xã Hương Sơn, Quang Thịnh, Nghĩa Hưng, Hương Lạc (Lạng Giang), xã Quỳnh Sơn và phường Tân An (TP Bắc Giang), người dân đều cho biết không thiếu nước sản xuất vì hồ chứa dồi dào, các trạm bơm chủ động đưa nước về kênh, mương theo lịch sản xuất, chăm sóc mùa vụ.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Tam Dị cho biết: ‘‘Vụ đông xuân năm nay, toàn xã sản xuất khoảng 5 nghìn ha cây rau màu các loại. Xã ở diện cuối kênh, máng song trung bình cứ 10-15 ngày lại được các trạm bơm bổ sung nguồn nước vào kênh nên nông dân dễ dàng đón nước về ruộng”.
Được biết thời gian qua, các trạm bơm thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương đã tổ chức vận hành bảo đảm kế hoạch, điều hành nguồn nước phù hợp cho từng vùng với tổng diện tích hơn 23 nghìn ha. Theo đại diện Công ty, đến nay, trong số 31 hồ chứa do Công ty quản lý, hầu hết nước đều đạt dung tích thiết kế từ 55 - 98%.
Đối với những trạm bơm lấy nước từ các sông: Thương, Lục Nam, do mực nước xuống thấp nên đơn vị đã thực hiện nạo vét các cửa khẩu, kênh dẫn vào bể hút và thực hiện nối dài các ống hút hoặc đặt trạm bơm dã chiến ngoài sông bơm lên kênh. Cùng đó, tăng cường bơm tưới ngược tối đa cho số diện tích ở khu vực cuối các tuyến kênh chính, bảo đảm không có diện tích thuộc vùng cung cấp bị thiếu nước tưới.
Đơn vị cũng duy tu, bảo dưỡng thay thế, sửa chữa, cải tạo hàng chục tổ máy ở các trạm bơm: Xuân Hương 1, Bảo Sơn, Tân Tiến, Thanh Cảm, Khám Lạng… Đối với trạm bơm Lãng Sơn, khi mực nước sông Thương xuống thấp, đơn vị lắp đặt 3 tổ máy bơm điện dã chiến đổ nước vào kênh dẫn qua cống Lũ Phú, đồng thời bơm tưới ngược mở rộng cho 53 ha rau màu của xã Quỳnh Sơn (TP Bắc Giang)…
Sẵn sàng phương án chống hạn
Hiện nay, các địa phương đang chuẩn bị bước vào vụ chiêm xuân, theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích gieo trồng vụ này trên toàn tỉnh là 65 nghìn ha, trong đó lúa 45,9 nghìn ha, còn lại là ngô, lạc, khoai lang và rau các loại… Trên địa bàn tỉnh có 274 đập, hồ chứa nước, dung tích nước tại các đập, hồ chứa này bảo đảm đủ cung cấp phục vụ sản xuất.
Căn cứ tình hình nguồn nước, kế hoạch sản xuất, thời vụ gieo trồng của từng địa phương, các công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi của tỉnh đã xây dựng phương án quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi; phân công lực lượng trực ngày đêm bảo vệ an toàn công trình và điều phối nước theo đúng kế hoạch phân phối. Đồng thời bám sát địa bàn tưới để tuyên truyền nhân dân sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm ngay từ đầu vụ. Tận dụng tối đa các nguồn nước có trên các hệ thống ao, đầm, kênh tiêu, sông ngòi và nước hồi quy từ các hồ, đập.
Hiện nay, các địa phương đang chuẩn bị bước vào vụ chiêm xuân, theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích gieo trồng vụ này trên toàn tỉnh là 65 nghìn ha, trong đó lúa gần 46 nghìn ha, còn lại là ngô, lạc, khoai lang và rau các loại… Trên địa bàn tỉnh có 274 đập, hồ chứa nước, dung tích nước tại các đập, hồ chứa này bảo đảm đủ cung cấp phục vụ sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc, đề nghị UBND các địa phương và các công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tập trung thông tin về tình hình, dự báo ngắn hạn, dài hạn về thủy văn, nguồn nước, nguy cơ hạn hán, thiếu nước để các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống khô hạn. Song hành với đó là tổ chức rà soát các khu vực có khả năng bị hạn, hoặc thiếu nước; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp. Chủ động tu bổ sửa chữa các công trình, máy móc, thiết bị trạm bơm, nạo vét hệ thống kênh mương các cấp và kênh nội đồng.
Thường xuyên kiểm kê, đánh giá cụ thể nguồn nước trong công trình thủy lợi, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Tranh thủ tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện trong các đợt xả nước; thông báo đến nhân dân chủ động trữ nước, đổ ải sớm phục vụ làm đất, gieo trồng vụ chiêm xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Cùng đó, có hướng chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa ở những vùng có nguy cơ thiếu nước cao sang cây trồng cạn ngắn ngày.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bao-dam-nuoc-cho-san-xuat-nong-nghiep-postid410951.bbg