Bảo đảm nước sạch cho vùng nông thôn
Bảo đảm nước sạch vùng nông thôn là một trong những vấn đề luôn được tỉnh Quảng Bình rất quan tâm. Bởi làm tốt vấn đề này sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân.
Ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, khu vực này dân cư còn thưa thớt nên khó khăn trong việc đầu tư xây dựng các công trình nước sạch. Mùa nắng nóng, tình trạng "khát" nước sạch diễn ra rất phổ biến.
Tại vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nước các khe suối cũng cạn dần trong mùa khô. Một số vùng đồng bằng, nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm bởi rác thải và thuốc bảo vệ thực vật… Những vấn đề trên gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn. Vì vậy, vấn đề bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân nông thôn đang được tỉnh ta rất quan tâm.
Để hỗ trợ, cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, tỉnh ta đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước từ nhiều nguồn khác nhau. Đồng thời, vận động xã hội hóa nhằm nhanh chóng tận dụng mọi cơ hội để tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Đến nay, cả tỉnh có 113 công trình nước sạch khu vực nông thôn, cung cấp nước cho hàng chục nghìn hộ dân. Riêng Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang quản lý và vận hành 11 công trình cấp nước cho trên 10.400 hộ dân. Hàng năm, tỉnh đều cấp ngân sách cho trung tâm khoảng 8 tỷ đồng cho việc duy tu, bảo dưỡng các công trình.
Trong năm 2019, đơn vị đã duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa 10 công trình cấp nước trên địa bàn. Các công trình đi vào vận hành đã cấp nước cho hàng vạn hộ dân và các trường học, trạm y tế, cơ sở công cộng. Trung tâm cũng đã tổ chức 4 lớp tập huấn vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước cho 142 cán bộ quản lý vận hành công trình của các địa phương, 9 lớp tập huấn xử lý nước và trữ nước an toàn cho 1.080 hộ dân; triển khai đánh giá, xác định giá trị thực tế của 22 công trình cấp nước tập trung và thời gian sử dụng còn lại của các công trình làm cơ sở để bàn giao, điều chuyển hoặc thanh lý.
Ngoài ra, trung tâm tiếp nhận thêm công trình cấp nước thôn Kinh Châu, Uyên Phong của xã Châu Hóa nhập với trạm Tiến Hóa (Tuyên Hóa); triển khai đồng bộ nhiều biện pháp chống thất thoát nước như: cố định hộp đồng hồ, kẹp chì, lắp các phụ kiện chống tác động đồng hồ kết hợp với tuyên truyền, vận động, kiểm tra, kiểm soát tình hình sử dụng nước của bà con; lấy mẫu phân tích, xét nghiệm để kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn nước thô đầu vào và chất lượng nước khi xảy ra thiên tai để có các biện pháp xử lý…
Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2019 của tỉnh đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và người dân. Trong đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã vệ sinh 15 bể nước sinh hoạt tập trung. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã huy động trên 30.000 lượt hội viên vệ sinh trên 10.000 bể nước và giếng khơi. Các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, huyện cũng đã tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
“Năm nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng các hoạt động hưởng ửng Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường vẫn diễn ra với các hoạt động như: tuyên truyền qua các băng rôn, khẩu hiệu, website của trung tâm. Còn các hoạt động bảo vệ nguồn nước nông thôn vẫn được đơn vị thực hiện và xem đó là nhiệm vụ thường xuyên”, ông Bùi Thái Nguyên chia sẻ.
Hiện, trung tâm đang tiếp nhận thêm một số công trình cấp nước sạch ở huyện Lệ Thủy và Quảng Trạch để quản lý, vận hành; duy tu, bảo dưỡng 15 công trình cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hỗ trợ các địa phương tập huấn xử lý nước và trữ nước an toàn, vận hành, bảo dưỡng công trình, đo lường, kiểm soát chất lượng nước…
Được đưa vào sử dụng năm 2015, trạm cấp nước xã Thanh Trạch (Bố Trạch) đang cấp nước sạch sinh hoạt cho 2.600 hộ dân 8 thôn trên địa bàn xã. Trung bình một ngày đêm, nhà máy sản xuất 1.530m3 nước. Ông Nguyễn Đình Quang, Trạm trưởng trạm cấp nước Thanh Trạch cho biết: “Để bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ bà con, chúng tôi thường xuyên thổi rửa giếng, bảo dưỡng máy bơm và đường ống kỹ thuật, thiết bị, máy móc, bể lắng, bể lọc. Ngoài ra, chúng tôi còn tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con cách sử dụng nguồn nước hợp lý, nhất là trong những ngày nắng nóng”.
Ông Võ Tiến Diện, một người dân ở thôn Thanh Gianh, xã Thanh Trạch cho hay: “Trong những ngày hè này, chúng tôi đều bơm nước lên bình dự trữ vào buổi sáng hoặc buổi đêm để bảo đảm có nước dùng cả ngày. Nước máy chủ yếu để tắm rửa, ăn uống. Còn nước tưới cây, phục vụ cho sản xuất thì bơm hoặc dẫn từ các sông hồ về”.
Hiện công suất nhà máy này vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của bà con. Nhưng về lâu dài, dân số và các nhà máy sản xuất tăng nên công suất của nhà máy khó đáp ứng được. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo nhà máy sẽ đề xuất lên cấp trên đề nghị khoan thêm giếng hoặc đấu nối các nguồn từ các hồ chứa về rồi xử lý…
Khi được tiếp cận với nguồn nước sạch đúng với quy chuẩn, bà con vùng nông thôn tỉnh ta càng thêm yên tâm sức khỏe của mình. Từ đó, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt, cải thiện môi trường sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn.