Bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính

Tiếp tục Kỳ họp thứ Năm, chiều nay, 22.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi Luật Căn cước công dân hiện hành nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông), việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Bởi, Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã xác định nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn. Đồng thời, hoàn thành xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.

So với Luật Căn cước công dân năm 2014, tại dự thảo Luật lần này đã mở rộng đối tượng áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Cơ bản đồng tình với quy định này, một số đại biểu cho rằng, sẽ bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gốc Việt Nam được tham gia các giao dịch dân sự, giao dịch thiết yếu trong cuộc sống như cư trú, đi lại, làm việc, kết hôn… Đồng thời, tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về dân cư, giúp công tác hoạch định chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội sát hơn, cũng như các vấn đề về bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị, cần cân nhắc việc bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với vấn đề này. Bởi, theo quy định tại Khoản 1, Điều 17, Hiến pháp năm 2013 thì công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Như vậy, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định quốc tịch thì không phải là công dân Việt Nam theo quy định của Hiến pháp. Vì vậy, về nguyên tắc, căn cước công dân chỉ được cấp cho công dân Việt Nam. Do đó, việc bổ sung đối tượng người gốc Việt Nam là chưa bảo đảm thống nhất giữa nội dung, tên gọi và không thật sự chính xác so với nội dung cũng như là phạm vi của các quy định tại dự thảo Luật này.

Cân nhắc quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Theo đó, tại Khoản 2, Điều 20 quy định: Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đồng tình với quy định này tại dự thảo Luật song ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) đề nghị, cần đánh giá kỹ hơn về tác động tiêu cực, tích cực; so sánh chi phí và lợi ích đem lại để làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định. Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm của người giám hộ, cha mẹ với người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước nhằm tránh việc lộ lọt thông tin cá nhân hoặc sử dụng thẻ căn cước vào mục đích xấu.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng không đồng tình với quy định trên, bởi lo ngại việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính cho trẻ em được sinh ra trong cùng một thời điểm sẽ phải cấp đồng thời nhiều loại giấy tờ khác nhau, như: mã định danh cá nhân, giấy khai sinh, bảo hiểm y tế, căn cước công dân… Điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực, tăng chi phí đối với người dân mỗi lần cấp đổi thẻ và làm gánh nặng với ngân sách nhà nước trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị, nghiên cứu điều chỉnh các quy định, thủ tục cho phù hợp với thực tiễn, tránh làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, tạo sự đồng thuận và sự thuận lợi khi triển khai thực hiện.

Trung Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/bao-dam-phu-hop-voi-thuc-tien-tranh-phat-sinh-them-thu-tuc-hanh-chinh--i333480/