Bảo đảm quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng, bảo trì hạ tầng đường sắt

Ngày 24-4, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Bộ đã có văn bản báo cáo Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc triển khai xây dựng Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư; khó khăn, vướng mắc trong công tác giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt năm 2021.

Theo đó, Bộ GTVT khẳng định, quá trình xây dựng dự thảo đề án đã thực hiện trên cơ sở quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đường sắt… và các nghị định liên quan, ý kiến góp ý của các bộ, ngành nhằm đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tuân thủ theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế.

Hai vấn đề hiện còn ý kiến khác nhau đối với nội dung của đề án, trước hết là việc giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt của ngân sách Nhà nước, nguồn kinh phí này liên quan đến công tác bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt. Từ ngày 29-9-2018 trở về trước, VNR là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên bộ giao nguồn dự toán thực hiện bảo trì hạ tầng đường sắt hằng năm cho VNR. Tuy nhiên, sau thời điểm này, VNR chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giao dự toán cho VNR không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ. VNR cũng không phải là cơ quan quản lý Nhà nước nên không thể đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

 Hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia cần được quan tâm bảo trì, bảo dưỡng để bảo đảm khai thác an toàn. Ảnh: HUY HÙNG

Hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia cần được quan tâm bảo trì, bảo dưỡng để bảo đảm khai thác an toàn. Ảnh: HUY HÙNG

Theo ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), việc Bộ GTVT giao dự toán ngân sách bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) là thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Sau đó, Cục ĐSVN sẽ ký hợp đồng đặt hàng bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với các đơn vị thực hiện công tác bảo trì của VNR. Cục ĐSVN không phải là khâu trung gian mà là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, có đủ thẩm quyền, năng lực để thực hiện nhiệm vụ này. Điều này cũng đã được thực hiện ở các lĩnh vực khác như đường bộ, hàng không, hàng hải...

Bộ GTVT đã xây dựng dự toán và kế hoạch bảo trì hạ tầng đường sắt, sẵn sàng nguồn kinh phí cho công tác này. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm việc, 20 đơn vị thực hiện công tác bảo trì thuộc VNR chưa thể ký kết hợp đồng với Cục ĐSVN cho chưa có ý kiến đồng ý của VNR. Hạ tầng đường sắt hiện đã cũ kỹ, xuống cấp, nếu không bảo trì kịp thời, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn chạy tàu, người lao động bị cắt giảm thu nhập, cuộc sống hết sức khó khăn. Trong khi đó, Bộ GTVT không thể ứng kinh phí cho các đơn vị bảo trì đường sắt vì chưa có hợp đồng kinh tế.

Vấn đề thứ hai liên quan đến đề án hạ tầng đường sắt là thời gian giao VNR quản lý sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo Bộ GTVT, việc giao VNR quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong 5 năm (2021-2025) thay vì 10 năm như đề nghị của VNR là phù hợp. Đây cũng là thời gian để Bộ GTVT, Cục ĐSVN và VNR hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật; kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục ĐSVN phù hợp để quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/bao-dam-quy-dinh-phap-luat-trong-quan-ly-su-dung-bao-tri-ha-tang-duong-sat-657684