Bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho người dân

Sáng 16-12 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024.

Ngày 23-1-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 (sau đây gọi là Chương trình hành động). Đây là Chương trình hành động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội.

 Quang cảnh hội nghị tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024.

Quang cảnh hội nghị tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, qua hơn 7 năm thực hiện Chương trình hành động, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân. Phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được thay đổi thông qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí, thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gồm trên 10.000 UBND cấp xã, hơn 700 UBND cấp huyện) và trong thời gian tới sẽ triển khai tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Về cơ bản, pháp luật hộ tịch của Việt Nam đã thừa nhận và bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho tất cả mọi cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay nơi cư trú; bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác. Trên cơ sở đó, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có hàng triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam trong các năm qua đã đạt trên 98%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, chúng ta còn gặp một số khó khăn, thách thức như: Hệ thống pháp luật về hộ tịch, quốc tịch tuy đã được ban hành đầy đủ, nhưng vẫn còn các quy định pháp luật trong lĩnh vực khác có liên quan chưa đồng bộ; chưa có các chính sách, quy định phù hợp đăng ký hộ tịch, xác định quốc tịch cho nhóm dân cư khó tiếp cận, dễ bị tổn thương; nguồn lực triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch còn hạn chế; năng lực của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu…

Tại hội nghị, Bộ Tư pháp ghi nhận sự hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả và thiết thực của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế Công cộng toàn cầu (Vital Strategies) trong khuôn khổ Chương trình “Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe” nhằm tăng cường năng lực quốc gia trong công tác đăng ký và thống kê hộ tịch. Bà Phạm Thị Lan, Trưởng nhóm Dân số và Phát triển (UNFPA), cho rằng do hệ thống đăng ký hộ tịch có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, là cơ sở giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu như cư trú, giáo dục, y tế, việc làm… nên cần đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận hệ thống đăng ký thống kê hộ tịch một cách dễ dàng, tiện lợi.

Tin, ảnh: AN AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/bao-dam-quyen-dang-ky-ho-tich-cho-nguoi-dan-807260