Bảo đảm quyền dự thi vào lớp 10 cho mọi thí sinh

Tối 19/4, dư luận xôn xao trước thông tin trên mạng xã hội về việc một số giáo viên Trường THCS Dịch Vọng và Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) yêu cầu cha mẹ học sinh lớp 9 có học lực không tốt chuyển trường hoặc ký cam kết 'tự nguyện' không cho con dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập.

Trước sự việc nêu trên, sáng 20/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị chức năng làm rõ và yêu cầu thành phố Hà Nội xử lý nghiêm nếu có hiện tượng này. Trưa cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xác minh, làm rõ thông tin, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã yêu cầu trưởng phòng giáo dục đào tạo các quận, huyện, thị xã quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả trường THCS chấm dứt ngay việc vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo (nếu có).

Ngay khi thông tin này được lan truyền, nhiều người cho rằng phải chăng các trường và giáo viên đang gặp áp lực về thành tích, khi lấy kết quả thi vào lớp 10 của các em thành một tiêu chí để đánh giá nhà trường và giáo viên? Mặt khác, chỉ tiêu vào trường công lập có hạn càng khiến cuộc đua vào lớp 10 trường công lập trở thành kỳ thi có tính cạnh tranh cao. Tại Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 công lập lâu nay vẫn được nhiều người đánh giá là căng thẳng hơn thi đại học.

Năm học 2021-2022, dự kiến toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học trước. Dự kiến, các trường THPT tuyển vào lớp 10 khoảng 104.000 học sinh, trong đó có khoảng 77.000 học sinh vào trường công lập, số còn lại vào trường tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên và theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Điều 16 Luật Trẻ em quy định: “1. Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. 2. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh”. Nếu trường và giáo viên chủ nhiệm yêu cầu học sinh có học lực kém cam kết không thi lớp 10 thì đó là hành vi vi phạm quyền tiếp cận giáo dục của trẻ đã được luật định, cần xử lý nghiêm.

Ở một góc nhìn khác, Việt Nam đang thực thi chính sách phổ cập giáo dục THCS và hướng tới phổ cập THPT, nên chăng các nhà quản lý giáo dục cần có chính sách giảm bớt những áp lực không đáng có cho học sinh, cha mẹ, giáo viên và nhà trường trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập và để phù hợp định hướng phát triển nền giáo dục mới dựa trên phẩm chất và năng lực.

An Trân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tranghanoi-dethudota-ngaycang/bao-dam-quyen-du-thi-vao-lop-10-cho-moi-thi-sinh-694038/