Bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho tất cả trẻ em
Quyền của trẻ em được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật. Thế nên, trẻ em không chỉ được chăm sóc, giáo dục, vui chơi, giải trí lành mạnh mà còn được pháp luật bảo vệ.
Qua 6 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL), Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Cà Mau đã tập trung hỗ trợ pháp lý bằng nhiều hình thức như tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho trẻ bị bạo lực gia đình, xâm hại... Tuy nhiên, trẻ em thuộc diện TGPL có những đặc điểm riêng biệt, không dễ dàng vượt qua mặc cảm tâm lý để thể hiện mong muốn của mình.
Như trường hợp của em Nguyễn Gia Huy, sinh năm 2018 (ngụ ấp Kinh Hãng C, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời). Cuối tháng 3/2023, Huy từ trong nhà chạy ra mé kênh để mua bánh từ ghe hàng lưu động thì bị xe gắn máy (chở 2 người) đụng phải, kéo em trên đoạn đường dài gần 10 m mới dừng lại. Tai nạn xảy ra làm Huy bị đứt lìa bàn tay phải, được người thân đưa đến Bệnh viện Ða khoa huyện cấp cứu, sau đó em được chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) để phẫu thuật ráp bàn tay. Từ một đứa trẻ linh hoạt, sau vụ tai nạn Huy ít nói và hay khóc khi tiếp xúc với người lạ. Mọi nguyện vọng yêu cầu TGPL, người thực hiện TGPL... phải ghi nhận qua người thân.
“Vụ việc đã được cơ quan chức năng thụ lý giải quyết. Tôi được giới thiệu đến Tổ TGPL huyện nhờ giúp đỡ, được trợ giúp viên pháp lý hỗ trợ tận tình. Tai nạn không ai mong muốn, hơn nữa, người gây tai nạn tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng hỗ trợ gia đình tôi phần nào kinh phí để điều trị cho Huy. Vì vậy, gia đình tôi thống nhất không yêu cầu xử lý hình sự mà muốn thỏa thuận (bằng biên bản có chứng kiến của cơ quan chức năng). Người gây tai nạn đồng ý tiếp tục hỗ trợ tiền để lo cho Huy, đến khi vết thương bình phục hẳn. Hiện tại, tuy bàn tay của Huy đã phẫu thuật nối lại nhưng vẫn chưa hoạt động như trước, gia đình phải đưa cháu đi Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám, điều trị thời gian dài mới hy vọng phục hồi phần nào”, ông Nguyễn Hữu Lượm (cha em Huy) bộc bạch.
“Những năm qua, Sở LÐ-TB&XH tích cực hỗ trợ trẻ bị xâm hại, nạn nhân bị bạo lực... nhiều đối tượng được bảo vệ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH). Trung tâm BTXH phối hợp thường xuyên với Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh trong việc tuyên truyền trực tuyến chính sách pháp luật về trẻ em và tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách vấn đề trẻ em các cấp. Những tháng đầu năm nay, số vụ việc xâm hại trẻ em, tai nạn đuối nước... giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2022”, ông Trần Trọng Nguyên, Phó trưởng phòng Bảo trợ và Bình đẳng giới, Sở LÐ-TB&XH, cho biết.
Tiếp xúc với chúng tôi, em Lê Văn P (sinh năm 2008) tỏ ra ấp úng khi nói về hoàn cảnh của mình. P quê ở tỉnh Nghệ An, theo cha mẹ vào tỉnh Ðồng Nai lao động mưu sinh từ khi em mới lên 4 tuổi. Thời gian ở Ðồng Nai, gia đình P có thêm 2 thành viên mới. Khoảng năm 2013, cha mẹ P không còn sống chung với nhau, P và em út ở với mẹ, còn em gái kế P thì theo cha. Khoảng tháng 6/2023, P nghe theo bạn bè rủ rê xuống Cà Mau chơi, rồi sống lang thang nơi công viên, vỉa hè... ở TP Cà Mau. Vừa qua, P có ý định trộm cắp tài sản người khác. Sau khi phát hiện, cơ quan công an đã liên hệ với Trung tâm BTXH tỉnh tiếp nhận P tạm thời (đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp). Hiện tại, Trung tâm BTXH đã liên hệ với mẹ P, đang hoàn tất các thủ tục để trả P về với gia đình.
Ông Huỳnh Minh Hải, nhân viên Phòng Nuôi dưỡng trẻ - Giáo dục định hướng, thuộc Trung tâm BTXH tỉnh, thông tin: "Hiện tại, Trung tâm BTXH đang quản lý hơn 50 trẻ, trong đó, trẻ bị bỏ rơi, mồ côi là 23 em, còn lại là trẻ sơ sinh, khuyết tật nặng... Với những trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, ngoài việc giáo dục nhân cách, chăm lo đời sống... Trung tâm BTXH tạo điều kiện tốt nhất cho các em học phổ thông và tiếp tục cho các em học cao hơn sau khi tốt nghiệp THPT. Nếu em nào không thích học nữa (có thể chưa hết chương trình THCS, hoặc không muốn học tiếp đại học) thì Trung tâm BTXH tạo điều kiện cho học nghề và bảo trợ cho đến khi các em có đủ điều kiện hòa nhập cuộc sống bên ngoài".
Theo ông Ngô Ðức Bính, Phó giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, những năm qua, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh luôn chú trọng hoạt động TGPL trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến trẻ em. Thực hiện đồng bộ, từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật đến tư vấn, hướng dẫn các thủ tục theo trình tự pháp lý và tham gia hoạt động tố tụng. Hoạt động này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em trong các vụ án tranh chấp, vụ việc xảy ra có xâm hại đến quyền trẻ em, nhất là trẻ em có liên quan trong vụ án hình sự.
Song, trẻ em là đối tượng TGPL đặc thù nên người tham gia TGPL đối tượng này cần quan tâm đến các kỹ năng cơ bản, bởi không chỉ bảo vệ quyền lợi vật chất mà kể cả về mặt tinh thần. Vì vậy, TGPL cho trẻ em phải tế nhị, giải thích, hướng dẫn, bảo vệ một cách đầy đủ, toàn diện, từ vật chất đến tinh thần và sự nhạy cảm đối với xã hội. Bên cạnh đó, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các cơ quan có liên quan, từ tỉnh đến chính quyền các cấp, trong việc quản lý, giới thiệu, hướng dẫn công tác TGPL. Cơ quan tiến hành tố tụng luôn tạo điều kiện cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư... bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trẻ em./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bao-dam-quyen-duoc-tro-giup-phap-ly-cho-tat-ca-tre-em-a28866.html