Bảo đảm quyền lợi cho công dân

Luật Cư trú (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ mười, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021 đặt ra nhiều vấn đề mới cho công tác quản lý dân cư trên địa bàn Thủ đô. Từ đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nhanh chóng đề ra giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho công dân trong tình hình mới.

Người dân làm thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu tại Công an thành phố Hà Nội. Ảnh: Tiến Thành

Tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú

Theo quy định hiện hành, điều kiện đăng ký thường trú tại Hà Nội được quy định tại Điều 20 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 và Điều 19 của Luật Thủ đô nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học.

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Cư trú (sửa đổi) không còn quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Việc đăng ký thường trú tại các địa phương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú theo quy định của Hiến pháp và bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn các thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú, mặc dù có chỗ ở.

“Tôi đang chờ đợi đến ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực để các quyền công dân về cư trú của cả gia đình được bảo đảm đầy đủ”, chị Dương Hồng (quê Hưng Yên, hiện đang tạm trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) bày tỏ.

Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhận định, quy định hiện hành chỉ hạn chế công dân không được đăng ký thường trú chứ không hạn chế được công dân đến nhập cư vào Hà Nội, gây bất bình đẳng về quyền cư trú, gây khó cho người dân chưa được đăng ký thường trú về sinh sống phải chi phí tốn kém hơn các dịch vụ như điện, nước, học tập của con em… Việc bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú cũng giúp thành phố nâng cao chất lượng cải cách hành chính.

Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết, đến nay vẫn còn nhiều thủ tục buộc công dân phải có đăng ký thường trú, sổ hộ khẩu, gây nhiều khó khăn cho những người đang lao động, làm việc, cống hiến cho công cuộc phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, khi bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú, Hà Nội cần bảo đảm khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, dịch vụ thiết yếu trong trường hợp lượng người đến cư trú tăng nhanh. Bên cạnh đó, phải bảo đảm quản lý, điều tiết được sự gia tăng dân số cơ học; đưa các cơ sở sản xuất, trường đại học, trường nghề, các khu công nghiệp ra ngoại thành, đầu tư xây dựng các khu đô thị ở ngoại thành để kéo giãn dân cư… song song với việc bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là khu vực nội thành.

Liên thông dữ liệu khi bỏ sổ hộ khẩu

Bên cạnh tác động của bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú, quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong việc quản lý cư trú từ năm 2023 trong Luật Cư trú (sửa đổi) cũng sẽ đặt ra những vấn đề cho công tác quản lý dân cư, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn Hà Nội.

Để bảo đảm chuyển từ quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang mã số định danh cá nhân, Công an thành phố Hà Nội hiện tập trung cấp căn cước công dân mẫu mới cho khoảng 2,5 triệu công dân trên địa bàn, phấn đấu thực hiện xong trước ngày 1-7-2021. Trung tá Nguyễn Thái Liên, Đội trưởng Đội cấp, quản lý căn cước công dân (Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị hiện đang tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ (tối thiểu 10 giờ/ ngày) để cấp căn cước công dân cố định tại công an các quận, huyện, thị xã. Việc cấp lưu động và cố định được bảo đảm ít nhất 6 ngày/tuần.

Về vấn đề bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong việc quản lý cư trú, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung nhận định, việc cấp, đổi căn cước công dân, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy mới chỉ là một giai đoạn, sau đó còn giai đoạn kết nối của các cơ quan, tổ chức có liên quan để liên thông khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác.

“Như vậy, sẽ có rất nhiều giao dịch, thủ tục hành chính không chỉ các cơ quan nhà nước và của người dân sẽ gặp khó trong giai đoạn đầu khi việc bảo đảm điều kiện kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,
cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn đang trong quá trình triển khai hoàn thiện”, bà Trần Thị Dung thông tin.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Đặng Việt Quân nhận định, việc này có những tác động nhất định đến khâu xử lý thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước với công dân trong các hoạt động liên quan đến tài sản, đất đai, hôn nhân, ngân hàng, bảo hiểm… Do vậy, việc chuyển từ quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang mã số định danh cá nhân cần bảo đảm tính liên thông về cơ sở dữ liệu, đồng thời phải có cách thức quản lý phù hợp.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/988920/bao-dam-quyen-loi-cho-cong-dan