Bảo đảm quyền lợi cho người dân khi điều chỉnh giá nước

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3541/QĐ-UBND phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Theo đó, giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt điều chỉnh tăng theo 2 lộ trình là 6 tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Phương án điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt xây dựng với từng nhóm khách hàng sử dụng nước khác nhau.

Cụ thể, giá nước bán lẻ tại TP Hà Nội được điều chỉnh từ ngày 1-7-2023 đến 31-12-2023, với phương án điều chỉnh này, các hộ cư dân sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt từ trên 10-20m³/đồng hồ/tháng sẽ là 8.800 đồng/m³; từ trên 20-30m³/đồng hồ/tháng là 12.000 đồng/m³; từ trên 30m³/đồng hồ/tháng là 24.000 đồng/m³. Từ ngày 1-1-2024 đến 31-12-2024 lần lượt sẽ là 9.900 đồng/m³; 16.000 đồng/m³ và 24.000 đồng/m³. Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, phục vụ mục đích công cộng từ ngày 1-7-2023 đến 31-12-2023 là 12.000 đồng/m³; hoạt động sản xuất vật chất là 15.000 đồng/m³ và kinh doanh dịch vụ là 27.000 đồng/m³. Từ ngày 1-1-2024 đến 31-12-2024, lần lượt sẽ là 13.500 đồng/m³; 16.000 đồng/m³ và 29.000 đồng/m³.

 Công nhân vận hành tại trạm cấp nước sạch xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Ảnh: NGÂN GIANG

Công nhân vận hành tại trạm cấp nước sạch xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Ảnh: NGÂN GIANG

Theo Sở Tài chính TP Hà Nội, tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chỉ chiếm 0,72%. Như vậy, việc tăng giá nước sạch sinh hoạt theo lộ trình cơ bản không tác động đến đời sống và khả năng chi tiêu của người dân. Về phương án giá, người dân cũng đánh giá không tác động nhiều đến đời sống. Tuy nhiên, người dân cũng mong mỏi, bên cạnh điều chỉnh giá nước thì sẽ có nội dung cụ thể về chất lượng nước để bảo đảm cuộc sống.

Nguồn nước ngầm tại Hà Nội có công suất khai thác hiện nay là 780.000m3/ngày đêm. Trường hợp khai thác quá mức sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư. Việc bổ sung nguồn nước mặt vào hệ thống cấp nước của các đơn vị lưu thông để cấp nước cho thành phố được thực hiện theo lộ trình giảm dần lượng khai thác nước ngầm theo quy hoạch. Do đó sẽ dẫn đến giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng bởi chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm.

 Nhà máy nước sạch Yên Phụ. Ảnh: THẾ TRUYỀN

Nhà máy nước sạch Yên Phụ. Ảnh: THẾ TRUYỀN

Phó giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội Trần Thành Tâm khẳng định: “Trong phương án giá nước, để bảo đảm đời sống của người dân, thành phố đã không quyết định tăng giá nước đột ngột mà thực hiện tăng theo lộ trình trong vòng hai năm. Bảo đảm trong khoảng thời gian này có thể đáp ứng được yếu tố đầu vào cấu thành giá nước, điều chỉnh kịp thời bảo đảm tính thị trường trong điều chỉnh giá nước”. Để bảo đảm chất lượng nước, Sở Tài chính TP Hà Nội đã có báo cáo UBND thành phố về trách nhiệm của các công ty cấp nước; việc xây dựng phương án giá nước phải bảo đảm quy định chất lượng nước theo tiêu chuẩn.

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng nhấn mạnh: "Trong 10 năm qua, chúng ta giữ ổn định giá nước. Thành phố tính toán điều chỉnh giá nước từ năm 2019 nhưng chưa thực hiện để bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19. Đến năm 2022, trong xu thế bắt buộc phải điều chỉnh giá nước để bảo đảm chi phí đầu vào và đầu ra, các đơn vị đã nghiên cứu rất thận trọng. Phương án giá đã tính đến chi phí hỗ trợ hộ cận nghèo, các đối tượng an sinh xã hội và so sánh chi phí mức sinh hoạt dưới 10m3 thì chi phí giá nước sạch của Hà Nội đang thấp hơn một số địa phương như Quảng Ninh, Điện Biên".

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bao-dam-quyen-loi-cho-nguoi-dan-khi-dieu-chinh-gia-nuoc-734762