Bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Để bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ) theo đúng luật pháp quy định, doanh nghiệp (DN) và NLĐ phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bởi đó chính là chỗ dựa của NLĐ khi xảy ra bất trắc, mất việc hoặc nghỉ hưu. Song trên thực tế vẫn còn không ít bất cập khi thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH đã ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của NLĐ, cần được các cơ quan chức năng kịp thời phối hợp giải quyết, điều chỉnh bổ sung các quy định hiện hành...

Nợ đọng BHXH vẫn còn cao

Nhớ lại sự việc xảy ra cách đây gần hai năm, chị Lê Thị Thìn, công nhân Công ty TNHH Nam Phương chuyên về may mặc của Hàn Quốc (đóng tại Khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi) vẫn còn tâm tư: “Giám đốc là người Hàn Quốc bỗng nhiên về nước để lại hàng trăm công nhân với nỗi lo lương thưởng ngay vào dịp Tết. Nhiều chế độ quyền lợi của anh em công nhân gần như mất sạch và đến giờ vẫn còn chờ nhận BHXH…”. Giải quyết vụ việc này, thời điểm đầu năm 2018, Công đoàn các Khu chế xuất, Khu công nghiệp (KCX, KCN) thành phố, đã hướng dẫn tập thể công nhân công ty khởi kiện ra tòa đòi quyền lợi nhưng đến nay quyền lợi của hơn 600 công nhân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Sau đó, cơ quan BHXH thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự. Hầu hết, NLĐ tại công ty này cũng đã tìm công việc mới để ổn định cuộc sống. Đây chỉ là một trong số ít vụ việc do DN đóng cửa, phá sản, nợ đọng BHXH cũng như nhiều quyền lợi của NLĐ bị xâm phạm nhưng chưa được giải quyết triệt để, vì một số quy định chế tài đối với DN nợ đọng BHXH chưa đủ sức răn đe. Nhiều DN nợ đọng BHXH, BHTN của NLĐ kéo dài, điển hình phải kể đến Công ty TNHH Bum Jin Vina (quận Bình Tân), Công ty cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (quận Phú Nhuận), Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp - Descon (quận 1)... Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Trần Ngọc Sơn nhìn nhận: Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2017 đã đạt và vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết 21 đề ra (có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và 35% lực lượng lao động tham gia BHTN). Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật của một số DN về BHXH còn thấp; một số chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH cho NLĐ hoặc chỉ tham gia cầm chừng mang tính đối phó. Chưa kể, thực trạng DN không thực hiện đúng các chế độ BHXH, BHTN đối với NLĐ hoặc tham gia không đúng tổng số NLĐ đang làm việc tại DN còn diễn ra phổ biến. Thống kê toàn thành phố cho thấy, hiện có 89.565 đơn vị sử dụng lao động đang tham gia BHXH, trong đó có đến 42.680 đơn vị nợ, chiếm tỷ lệ 47,65%. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHXH, BHTN còn nhiều điểm bất cập, ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp của NLĐ. Theo lãnh đạo cơ quan BHXH thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1-6-2016, cơ quan BHXH được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế. Đến nay, đơn vị đã lập hồ sơ kiến nghị khởi tố 37 đơn vị. Trong đó, có 32 đơn vị, cơ quan vi phạm về nợ đọng BHXH, cơ quan Cảnh sát điều tra quận, huyện đã phản hồi tiếp nhận và có văn bản đề nghị cung cấp tài liệu, hồ sơ để phục vụ công tác điều tra.

Đề cao vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ trên cơ sở pháp luật quy định, trong năm 2019, LĐLĐ thành phố đã cử cán bộ trực tiếp tham gia bảo vệ quyền lợi tại Tòa án các cấp cho 225 NLĐ, với số tiền gần hai tỷ đồng cho NLĐ làm việc tại Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 710, Công ty TNHH Bum Jin Vina, Công ty TNHH Sunlight. Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố còn hỗ trợ và hướng dẫn LĐLĐ các quận, huyện cử cán bộ đại diện theo ủy quyền cho 300 trường hợp NLĐ tiến hành khởi kiện các DN nợ lương, nợ BHXH... Từ đó, cơ quan thi hành án đã tổ chức việc bán tài sản để trả lương cho NLĐ và chốt sổ BHXH cho NLĐ.

Đề xuất giải pháp giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho NLĐ tại các DN nợ đọng BHXH, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH thành phố cho rằng: Đối với các DN nợ BHXH, BHTN đang trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể hoặc đơn vị không còn tồn tại, không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu NLĐ đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định để cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH cho NLĐ. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận đến thời điểm đã đóng; sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố đề nghị, cơ quan BHXH cần chủ động phối hợp với lãnh đạo cơ quan LĐLĐ, Sở LĐ-TB và XH, Công an, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh để thống nhất thực hiện Luật BHXH năm 2014. Cụ thể, khi DN nợ BHXH trên địa bàn thành phố thì thống nhất mẫu ủy quyền cho công đoàn đòi quyền lợi thu hồi nợ BHXH cho NLĐ vì mẫu ủy quyền hiện nay chưa thống nhất, gây khó khăn cho quy trình khởi kiện.

Theo Phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các KCX, KCN thành phố cho biết: Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 17 KCX, KCN với hơn 1.300 DN đang hoạt động, tổng số lao động hơn 290.000 người. Nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các DN vi phạm về pháp luật BHXH, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động tập thể, hằng quý, BHXH thành phố gửi danh sách các DN trong KCX, KCN nợ BHXH từ ba tháng trở lên và có số nợ từ 50 triệu đồng trở lên để Ban Quản lý có biện pháp đôn đốc, nhắc nhở các DN chấp hành quy định đóng BHXH, BHTN cho NLĐ. Đồng thời, Ban Quản lý sẽ chuyển danh sách các DN tiếp tục nợ đóng BHXH cho Thanh tra Sở LĐ-TB và XH để có kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các DN này và có biện pháp xử lý theo quy định...

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/44903002-bao-dam-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong.html