Bảo đảm quyền lợi của người lao động khi tham gia Bảo hiểm xã hội

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27.5 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp sáng 27.5

Quan tâm góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, mục tiêu sửa đổi dự thảo Luật lần này vừa phải thể chế hóa mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), vừa hài hòa quyền lợi của người lao động phù hợp với thực tiễn Việt Nam, bảo đảm nguyên lý của BHXH.

Với các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề cập, sửa đổi Luật lần này đã tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện đề nghị bổ sung chế độ ốm đau vào quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyên (như BHXH bắt buộc).

Đồng thời, xem việc mở rộng quyền lợi, đa dạng hình thức đóng bảo hiểm tự nguyện làm động lực khuyến khích người dân an tâm tham gia bảo hiểm tự nguyện (thay vì mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc như dự thảo luật).

Về nội dung rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Thúy nhấn mạnh, “chúng ta hoàn toàn không mong muốn và khuyến khích người tham gia BHXH rút bảo hiểm xã hội một lần vì đó là quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu và đảm bảo lưới an sinh xã hội”.

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tham dự phiên họp sáng 27.5

Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tham dự phiên họp sáng 27.5

Tuy nhiên, đại biểu phân tích, thực tiễn cho thấy một bộ phận người lao động gặp khó khăn về kinh tế hoặc chưa an tâm với chính sách bảo hiểm của nước ta hoặc lo lắng về số tiền về hưu được hưởng quá thấp so với lạm phát, trượt giá sau hơn 15 năm đóng bảo hiểm xã hội... đây là lý do hợp lý để họ muốn rút bảo hiểm một lần và cũng chính đáng.

Còn đối với dự thảo Luật đề xuất 2 phương án, theo đại biểu Thúy thì thống nhất phương án 1: “Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm".

Và theo đại biểu, để phương án này đạt kết quả mong muốn, bên cạnh với quy định này thì Chính phủ cần có đề án hỗ trợ người lao động tham gia BHXH gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như được vay vốn tín dụng bằng các cơ chế, chính sách đặc thù; tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn đầu tư công trung hạn, vốn ngân sách Trung ương, ủy thác của ngân sách địa phương để tăng nguồn vốn cho ngân hàng chính sách xã hội, mở rộng phạm vi, mức vay vốn cho người lao động;... các giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng BHXH một lần; bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm...

Đại biểu tham dự kỳ họp

Đại biểu cũng đề nghị cần có chế tài đủ mạnh đối với các trường hợp chậm đóng, trống đóng bảo hiểm xã hội; bên cạnh đó, xem xét, cân nhắc kỹ các cơ đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động.

Đại biểu Thúy cũng đề nghị, để thực hiện có hiệu quả Luật BHXH (sửa đổi) cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH để tạo thông thoáng, thuận lợi không chỉ lúc tham gia bảo hiểm xã hội mà còn cả lúc hưởng quyền lợi của người tham gia.

Tố Tuấn (lược ghi)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bao-dam-quyen-loi-cua-nguoi-lao-dong-khi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-a173339.html