Bảo đảm quyền trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần
Sáng 11/01, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thường kì của Ủy ban Quốc gia về trẻ em.
Các thành viên Ủy ban đại diện các Bộ, ngành như Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam… đã có phần báo cáo về việc triển khai công tác trong năm 2023, nhằm giải quyết các vấn đề về trẻ em phù hợp với lĩnh vực được phân công.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, hệ thống văn bản pháp luật về trẻ em tiếp tục được bổ sung, sửa đổi, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch nhằm thực hiện tốt hơn nữa quyền trẻ em và giải quyết kịp thời các vấn đề trẻ em.
Các cơ quan, bộ, ngành đã triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em: Tập huấn, nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em ở cơ sở; lực lượng công an không để các vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện mà không xử lý; tòa án đã giải quyết, xét xử 98,5% vụ án liên quan đến xâm hại người dưới 18 tuổi; nhiều trường hợp trẻ em bị mua bán, bạo lực được chăm sóc, trợ giúp, bảo vệ…
Tại phiên họp, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã có tham luận báo cáo về một số thành tựu đã đạt được trong năm 2023, trong đó tập trung vào nhiệm vụ đóng góp ý kiến, tư vấn văn bản chính sách liên quan tới trẻ em như Dự thảo Luật Trật ư an toàn giao thông đường bộ, Dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Hội cũng đã tổ chức Diễn đàn các tổ chức xã hội về bảo vệ quyền trẻ em, nhằm xây dựng kế hoạch thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc về việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em tại Việt Nam và tham gia cùng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo Kế hoạch quốc gia thực hiện các khuyến nghị này.
Trước những thách thức được dự đoán trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đưa ra những kiến nghị tập trung vào đề nghị xem xét có cơ chế cho Hội xây dựng đề án/chương trình về bảo vệ trẻ em theo các nhiệm vụ được Đảng và nhà nước giao để trình Chính phủ cấp ngân sách; chính quyền địa phương phân bổ ngân sách và tạo điều kiện cho cơ sở Hội tại địa phương thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và kết nối cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ; cần xem xét, đánh giá kỹ về tác động của thuốc lá điện tử đối với trẻ em và thanh thiếu niên trước khi ra quyết định về việc có cho phép hay không lưu hành sản phẩm này tại thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa kiến nghị việc đưa Chương trình Kỷ luật tích cực mà Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam hiện đang triển trên diện rộng góp phần đưa văn hóa ứng xử trong đời sống gia đình Việt Nam vừa kế thừa các giá trị văn hóa dân tộc, vừa tiếp nhận các giá trị mới như bình đẳng, dân chủ phù hợp sự phát triển của thời đại.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần tạo chuyển biến thực sự đối với những vấn đề, tồn tại trong công tác trẻ em, như: Xâm hại, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, an toàn trên không gian mạng, tư vấn tâm lý, tình trạng sử dụng chất kích thích… Đây là những vấn đề ngày càng cấp bách, cần hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng giao các bộ, ngành nghiên cứu tiếp tục cải thiện công tác tư pháp đối với trẻ vị thành niên; cụ thể hóa các khuyến nghị của Liên hợp quốc về cải thiện các nhóm chỉ số liên quan đến trẻ em trong phát triển bền vững; đánh giá tác động của các nền tảng xã hội trực tuyến đối với trẻ em; nghiên cứu tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, hoặc các chất kích thích khác đối với sức khỏe thể chất, tâm thần của trẻ em; rà soát thực trạng, nhu cầu sử dụng bể bơi, hồ bơi trong trường học, thiết chế văn hóa, thể thao tại cộng đồng…
"Trong năm 2024 chúng ta phải khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động về chăm sóc, bảo vệ trẻ em một cách tổng thể, bài bản, khoa học, kèm theo giải pháp, bộ máy tổ chức, nguồn lực thực hiện cụ thể, khả thi, nhằm giải quyết cho được những tồn tại trong công tác trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần", Phó Thủ tướng nói.