Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Lai Châu là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với 20 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, gồm các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ, Si La. Trong thời gian qua, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo, chức sắc tôn giáo được thực hiện các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, các quyền lợi của tín đồ, chức sắc điểm nhóm tôn giáo được cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ, đảm bảo, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID – 19 diễn biến phức tạp.
Lai Châu là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với 20 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, gồm các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ, Si La. Trong thời gian qua, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo, chức sắc tôn giáo được thực hiện các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, các quyền lợi của tín đồ, chức sắc điểm nhóm tôn giáo được cơ quan chức năng thực hiện đầy đủ, đảm bảo, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID – 19 diễn biến phức tạp.
Hằng năm, Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu đều tham mưu UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh và các văn bản, báo cáo triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để các tổ chức, cá nhân tôn giáo vẫn được đảm bảo quyền được sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Sở Nội vụ đã ban hành các văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, vận động chức sắc, tín đồ tự giác, trách nhiệm đi tiêm vắc xin phòng COVID-19; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo đảm bảo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được quan tâm chú trọng. Hằng năm, Sở Nội vụ đã xây dựng và ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo và tổ chức tuyên truyền tại các điểm nhóm trên địa bàn các huyện. Từ năm 2017 đến tháng 6-2022 đã tổ chức tuyên truyền tại 54 điểm nhóm với hàng nghìn lượt tín đồ đạo Tin lành tham dự; phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên xuống địa bàn cơ sở tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, hướng dẫn tổ chức, cá nhân tôn giáo sinh hoạt, thực hiện các hoạt động tôn giáo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của chức sắc, chức việc, tín đồ. Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn được tổ chức lồng ghép vào các đợt nắm bắt tình hình; thăm hỏi, động viên tổ chức, điểm nhóm tôn giáo trong dịp lễ trọng của tổ chức tôn giáo.
Công tác giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết nhu cầu hoạt động, sinh hoạt tôn giáo của điểm nhóm, tổ chức tôn giáo trên địa bàn được quan tâm đặc biệt. Việc cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện triển khai đồng bộ. 100% thủ tục hành chính liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4; các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được hướng dẫn khai thác, sử dụng tại các buổi tuyên truyền, kiểm tra nắm bắt tình hình tôn giáo tại các tổ chức, điểm nhóm tôn giáo trên địa bàn.
Từ năm 2017 đến tháng 6-2022 đã tiếp nhận, giải quyết 51 TTHC trên dịch vụ công trực tuyến đảm bảo quy định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào. Hướng dẫn tổ chức tôn giáo trực thuộc, các điểm nhóm tổ chức lễ Phục sinh, Vu lan, Giáng sinh đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tuân thủ pháp luật.
Chấp thuận, tạo điều kiện cho Tổng hội – Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) mở các lớp bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo cho chức sắc, chức việc, trưởng điểm nhóm tại điểm nhóm Tin lành, tổ chức Hội đồng bồi linh tại thành phố Lai Châu… đảm bảo an ninh trật tự, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật.
Các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo của tổ chức, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo được các cấp, các ngành, cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác và tình hình tôn giáo tại tỉnh. Hằng năm, Sở Nội vụ cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn UBND cấp xã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá hoạt động của các điểm nhóm tôn giáo trên địa bàn và xem xét, giải quyết, cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho những điểm nhóm đủ điều kiện theo quy định.
Căn cứ các quy định của pháp luật, tỉnh đã chấp thuận thành lập 2 tổ chức tôn giáo trực thuộc (GHPGVN tỉnh Lai Châu, Giáo xứ Lai Châu); chấp thuận thành lập Ban Đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Từ năm 2017-2022 đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 38 điểm nhóm (trong đó 20 điểm nhóm được cấp đăng ký theo Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, 18 điểm nhóm được cấp đăng ký theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) nâng tổng số điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của toàn tỉnh lên 102 điểm nhóm.
Các tôn giáo trên địa bàn tỉnh hiện nay đều hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; các chức sắc thuộc các tổ chức tôn giáo đến địa bàn tỉnh đều thực hiện các lễ nghi tôn giáo và đồng bào tin theo các tôn giáo được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các lễ nghi tôn giáo, tổ chức các ngày lễ trọng như: Lễ Nô-en, Lễ Phục sinh... truyền, giảng đạo tại các cơ sở tôn giáo, điểm nhóm tôn giáo; mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo; phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc, chức việc theo quy định của Pháp luật.