Bảo đảm rõ ràng hơn chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua vẫn tồn tại, hạn chế, bất cập nhất định.

Cần có tầm nhìn xa hơn về xây dựng pháp luật

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật thường xuyên cho thấy tính ổn định của chương trình chưa bền vững, trong khi đây là gốc rễ thuộc quyền lập pháp của Quốc hội. Vì vậy, khi Quốc hội thông qua một luật nào đó rồi thì hạn chế tối đa việc điều chỉnh mới.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là luật hóa sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội về chiến lược lập pháp. Quốc hội đã có chiến lược liên quan đến kinh tế-xã hội, đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm thì nên có tầm nhìn xa hơn về xây dựng pháp luật. Ngoài ra, cần mở rộng thành phần soạn thảo các dự án, chú trọng các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là đối tượng chịu tác động để họ lên tiếng. Lấy ý kiến nhân dân rộng rãi về dự án có tác động rộng. Không đưa vào chương trình các dự án luật mà Quốc hội đã không tán thành.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo khá đầy đủ tại Tờ trình số 223.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động của các cơ quan bị ảnh hưởng nhưng các hoạt động phục vụ cho công tác lập pháp vẫn được duy trì linh hoạt, điều chỉnh phương thức thực hiện, bảo đảm chất lượng tổng số luật, pháp lệnh, nghị quyết được thông qua là 12 văn bản của Quốc hội và 6 văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua vẫn tồn tại, hạn chế, bất cập nhất định. Tờ trình đã nêu về chất lượng hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, về thời hạn gửi hồ sơ, thời hạn trình Quốc hội. Đặc biệt, chất lượng đánh giá tác động chính sách ngay từ khâu đề nghị xây dựng luật, nghị quyết còn hạn chế. Đây là vấn đề đã được nêu ra rất nhiều lần nhưng vẫn chưa được khắc phục, nhất là đối với những nhiệm vụ lập pháp mang tính cấp bách thì vấn đề này càng đáng lưu tâm hơn.

Nghiên cứu nhiều hồ sơ dự án luật, nghị quyết cho thấy, không ít các chính sách pháp luật được đề xuất trong các dự án luật, nghị quyết còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa rõ về nội dung quy định được thiết kế để cụ thể hóa chính sách. Do vậy, đánh giá tác động chính sách cũng còn sơ sài, hình thức không rõ định lượng.

So sánh báo cáo đánh giá tác động chính sách khi đề nghị xây dựng luật, nghị quyết để đưa vào chương trình và khi dự án luật, nghị quyết đã chính thức được đưa vào chương trình trình Quốc hội cho thấy, về mặt nội dung không có sự hoàn thiện đáng kể, chất lượng báo cáo tổng kết thi hành pháp luật cũng cần được nâng cao hơn. Vì vậy, cần tách bạch rõ những kết quả hạn chế do quy định của văn bản luật, nghị quyết và những kết quả hạn chế do quy định của văn bản dưới luật, những vấn đề do quy định pháp luật và những vấn đề do tổ chức thi hành pháp luật.

Các dự thảo luật phải được đầu tư hơn

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, chất lượng rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được cải thiện hơn, bảo đảm rõ ràng. Đặc biệt, thiết kế điều về áp dụng luật trong các dự thảo luật phải được đầu tư hơn. Qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cho thấy, đây là nội dung có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng phải làm rõ, hoàn thiện thêm để phân biệt rõ về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng.

Ngoài ra, còn tình trạng dồn dập trên đề xuất xây dựng luật bổ sung vào chương trình, ví dụ như bổ sung đến 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thông qua tại kỳ họp thứ 5, chưa kể bổ sung 1 dự án luật trình và cho ý kiến thông qua theo trình tự tại một kỳ họp, tại kỳ họp thứ 4 và bổ sung 3 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Như vậy, tại kỳ họp thứ 4, tổng số có đến 7 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, 7 dự án trình Quốc hội cho thông qua, gây sức ép lớn cho các cơ quan thẩm tra. Mặt khác, so với thời điểm tháng 7 năm ngoái, khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì tại kỳ họp thứ tư chỉ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến 1 dự án luật, biểu quyết thông qua 3 dự án luật.

Sự thay đổi số lượng các dự án luật trong chương trình là rất lớn, cho thấy tính dự báo chưa cao, tính dài hạn tổng thể chưa được bảo đảm. Thời hạn trình dự án luật, nghị quyết cũng rất gấp gáp, khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì rất sát ngày tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đến khi trình Quốc hội thì rất sát ngày tổ chức kỳ họp. Nhiều cơ quan thẩm tra có tinh thần hợp tác rất chủ động, vừa chạy vừa xếp hàng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất sẵn sàng họp ngoài giờ và cho ý kiến ngay nhưng nhiều nội dung đều có tình trạng như vậy thì các cơ quan thẩm tra rất khó khăn. Đề nghị các cơ quan soạn thảo cần có giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế này, nhất là những yếu tố chủ quan. Yêu cầu lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã hết sức rõ ràng, thời hạn cũng rất cụ thể từ thời hạn rà soát cho đến thời hạn trình. Đây cũng là những nội dung mà các cơ quan trình tự đề xuất. Vì vậy, phải chủ động để đảm bảo yếu tố chất lượng, không vì đáp ứng số lượng, thời hạn mà để ảnh hưởng đến chất lượng.

Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2022-2023, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cơ bản tán thành, đề nghị cơ quan trình tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án luật, dự thảo nghị quyết bảo đảm chất lượng và thời hạn gửi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Ngọc Trang - Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bao-dam-ro-rang-hon-chat-luong-van-ban-quy-pham-phap-luat-mYGLtCu7R.html