Bảo đảm thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 hiệu quả tại các tuyến

Sắp xếp, thu gọn theo nguyên tắc đủ, tinh, hiệu quả

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, theo kế hoạch sắp xếp, tinh gọn các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong khoảng tháng 11, toàn tỉnh sẽ còn lại 22 cơ sở cách ly, điều trị F0 phân bố đều ở 3 tầng điều trị. Tầng 1 gồm 10 cơ sở điều trị với khả năng thu dung, điều trị 7.700 giường. Các cơ sở, gồm: Bệnh viện dã chiến số 1, Cơ sở điều trị Hầm rượu GSI (TX.Bến Cát); TP.Thuận An (Trung tâm Giáo dục thường xuyên, UBND phường Hưng Định, trường Nghề 22 Dĩ An); TP.Dĩ An (Phòng khám Đa khoa khu vực (PKĐKKV) An Bình, Cơ sở điều trị dã chiến Hố Lang); TX.Tân Uyên (Khu sản xuất Vị Hảo 2); huyện Dầu Tiếng (trường Tiểu học Ngô Quyền); huyện Bàu Bàng (Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng); huyện Phú Giáo (Bệnh viện Đa khoa Cao su Phước Hòa cũ); huyện Bắc Tân Uyên (Trung tâm Y tế mới); TP.Thủ Dầu Một (Công viên Thanh Lễ).

Bệnh nhân vào khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được phân luồng, sàng lọc phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Tầng 2 có 10 cơ sở điều trị, duy trì 1.250 giường tại các cơ sở điều trị tuyến huyện, thị, thành phố, gồm: PKĐKKV An Phú, TP.Thuận An; PKĐKKV Phước Hòa, huyện Phú Giáo; Trung tâm Y tế TX.Bến Cát; PKĐKKV An Bình, TP.Dĩ An; trường Tiểu học Ngô Quyền, huyện Dầu Tiếng, Bệnh viện dã chiến số 1; Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên và Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng thực hiện mô hình tách đôi. Tầng 3, tầng điều trị cho bệnh nhân nặng ICU (cấp cứu, hồi sức), tỉnh duy trì 400 giường ICU với 2 cơ sở là Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Khu điều trị Covid-19 Phú Chánh và Bệnh viện Quốc tế Becamex.

Trên cơ sở này, đối với các huyện phía bắc (Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên), tỉnh duy trì cơ sở điều trị tầng 1 khoảng 500 giường, tầng 2 từ 50 - 100 giường. Với các địa phương phía nam (TP. Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát), tỉnh thực hiện 500 - 1.000 giường tầng 1, tầng 2 từ 100 - 300 giường. Riêng cơ sở điều trị tầng 1 tại TP.Thủ Dầu Một sẽ duy trì từ 500 - 1.000 giường và tầng 2 sẽ nhận hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trước đó, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh thành lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2 tại PKĐKKV An Phú, TP.Thuận An với quy mô 200 giường và PKĐKKV An Bình, TP.Dĩ An với quy mô 150 giường. Các đơn vị còn lại cơ bản đã có khu điều trị bệnh nhân tầng 2. Riêng TX.Bến Cát đang khảo sát đầu tư.

Với việc thiết lập cơ số giường thu dung, điều trị người mắc Covid-19, Bình Dương sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch bệnh ở cấp độ 4, bảo đảm trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhân lực tương ứng với số giường ICU tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Củng cố hạ tầng kỹ thuật

Cùng với việc sắp xếp, tinh gọn các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, tỉnh tiếp tục củng cố hạ tầng kỹ thuật về oxy y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; bảo đảm cung cấp oxy y tế tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và hệ thống oxy trung tâm để cung cấp oxy hóa lỏng, khí nén, đủ số vỏ chứa oxy như bồn, bình và chai khí oxy y tế tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên. Bên cạnh hoàn chỉnh kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, đáp ứng khi có dịch bệnh xảy ra, tỉnh cũng xây dựng các chỉ số cụ thể để làm căn cứ đánh giá triển khai kế hoạch, bao gồm các chỉ số về số giường hồi sức tích cực, hạ tầng kỹ thuật oxy y tế.

Theo ghi nhận, hiện nay các huyện, thị, thành phố đang gấp rút triển khai kế hoạch củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều xây dựng kế hoạch thiết lập khu điều trị Covid-19 ngay trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện tại để sẵn sàng vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị bệnh nhân Covid-19, thực hiện chuyển tuyến khi vượt quá năng lực chuyên môn.

Bác sĩ Đỗ Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Dĩ An cho biết: “Hiện trung tâm đang tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám, chữa bệnh để tránh lây nhiễm chéo. Trung tâm cũng tăng cường chất lượng công tác khám, chữa bệnh và điều trị bệnh nhân Covid-19, rà soát bảo đảm chỉ định và thời gian điều trị nội trú phù hợp. Đặc biệt, đơn vị tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, thực hiện kê đơn cấp thuốc điều trị ngoại trú tối đa 3 tháng cho các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định; đa dạng các loại hình khám, chữa bệnh như khám, chữa bệnh từ xa”.

Hiện nay, các cơ sở điều trị trong tỉnh cũng đang tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn về chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho tất cả cán bộ y tế, tích cực thành lập Khoa Hồi sức tích cực, giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19 và các bệnh khác.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cho biết, Sở Y tế đã lên kế hoạch và đang thực hiện đào tạo, tập huấn chuyên môn về hồi sức cấp cứu cơ bản và nâng cao cho bác sĩ và điều dưỡng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị. Mục tiêu đặt ra là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, y tế tư nhân phải thực hiện được các kỹ thuật hồi sức cấp cứu cơ bản. Các bệnh viện đa khoa từ tuyến huyện trở lên phải thực hiện được các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao; bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh thực hiện được kỹ thuật tim, phổi nhân tạo, lọc máu…

HOÀNG LINH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/bao-dam-thu-dung-dieu-tri-benh-nhan-covid-19-hieu-qua-tai-cac-tuyen-a259251.html