Bảo đảm thuận tiện, hiệu quả trong quản lý, sử dụng dữ liệu về dân cư

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sáng 10.6, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc đổi tên gọi của thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước và việc xác định những thông tin cần thiết để tích hợp nhằm bảo đảm thuận tiện, hiệu quả trong quá trình quản lý, sử dụng dữ liệu về dân cư.

ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk):
Rà soát kỹ những thông tin cần thiết phải tích hợp

Với dự thảo Luật Căn cước, mặc dù quy định không bắt buộc người dân phải đổi sang thẻ Căn cước mới, nhưng có thể thấy thẻ Căn cước công dân có “vòng đời” kéo dài mấy chục năm. Bây giờ, nếu áp dụng chính sách cho phép sử dụng song hành thẻ Căn cước công dân và thẻ Căn cước sẽ dẫn tới sự thiếu thống nhất về mặt tổ chức thi hành pháp luật. Hơn nữa, việc đổi tên thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước cũng sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn và không cần thiết về loại giấy tờ tùy thân này. Do đó, đề nghị nên giữ nguyên tên gọi là thẻ Căn cước công dân. Việc giữ nguyên tên gọi này cũng không làm thay đổi phạm vi sửa đổi, điều chỉnh của dự thảo Luật. Bởi lẽ, đối với đối tượng được mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật lần này là người gốc Việt Nam không có quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam, theo dự thảo Luật, chúng ta sẽ không cấp thẻ Căn cước mà cấp Giấy chứng nhận căn cước. Đối với tên gọi dự thảo Luật, có thể đổi tên thành dự thảo Luật Căn cước, nhưng đối với thẻ Căn cước công dân thì nên giữ nguyên tên gọi này.

Việc tích hợp các thông tin ngoài căn cước vào thẻ Căn cước công dân sẽ tạo thuận tiện trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Tuy nhiên, phạm vi tích hợp đến đâu và như thế nào cần được bàn bạc kỹ lưỡng, thấu đáo nhằm bảo đảm sự trôi chảy, thuận lợi khi thực hiện. Có hai phương thức tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước công dân là những thông tin cá nhân được hiển thị ngay trên thẻ và những thông tin cá nhân được mã hóa vào chip gắn trên thẻ. Cần quy định rõ những thông tin nào được in trên thẻ và thông tin nào được mã hóa. Mặt khác, đối với những thông tin được mã hóa để tích hợp vào thẻ thì cần xác định phạm vi này để bảo đảm việc tích hợp những thông tin này là thực sự cần thiết và tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, sử dụng dữ liệu dân cư. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát thật kỹ càng, thông tin gì thực sự hiệu quả thì tích hợp vào thẻ Căn cước công dân; cái gì không hiệu quả thì không cần tích hợp.

ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi):
Quy định cụ thể hơn về người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch

Điều 7, dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) quy định về việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là không hợp lý và thiếu logic. Bởi vì, người gốc Việt Nam là đối tượng không được cấp căn cước theo quy định tại Điều 20 dự thảo Luật nên không thể cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không có Căn cước, tức là chúng ta chứng nhận cho cái không được công nhận, như thế là phi logic. Nội dung quy định của Điều 7 và Điều 20 mâu thuẫn nhau. Đồng thời, cần có những quy định cụ thể hơn liên quan đến quy định “Người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch” để tránh xung đột với Luật Quốc tịch Việt Nam và các quy định pháp luật liên quan khác.

Dự thảo Luật quy định việc thẻ Căn cước tích hợp nhiều thông tin cá nhân nên cơ quan, tổ chức, người khai thác có thể khai thác được “bí mật cá nhân” của người khác thông qua thẻ căn cước. Do đó, đề nghị bổ sung quy định chỉ cấp quyền khai thác thông tin tích hợp trong căn cước phù hợp với yêu cầu quản lý, giao dịch của công dân trong từng trường hợp cụ thể. Và cần có sự đồng ý, giám sát của công dân.

Ngoài ra, cần cân nhắc lại việc tích hợp các thông tin như: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, khai sinh, chứng nhận kết hôn... vào căn cước là không phù hợp với nội hàm “căn cước” theo định nghĩa tại Khoản 1, Điều 3 dự thảo Luật. Cụ thể “Căn cước là thông tin về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người”. Do đó, việc tích hợp các thông tin nêu trên vào căn cước là không thuộc về lai lịch, nhân dạng, sinh trắc học của một người.

ĐBQH Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận):
Chỉ nên đưa vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư những trường thông tin cơ bản và ổn định

Với nhu cầu đổi mới phương thức quản lý dân cư, bảo đảm hơn nữa quyền con người, quyền công dân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả và giá trị sử dụng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân trong công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì cần sửa đổi Luật Căn cước công dân hiện hành.

Tôi nhận thấy, cần rà soát lại 24 nội dung thông tin quy định tại Điều 10 về thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, chỉ nên quy định cụ thể trường thông tin nào bắt buộc, mang tính cơ bản ổn định; nên lược bỏ một số thông tin thiếu tính ổn định như “nơi ở hiện tại”, “nơi tạm trú”, “tình trạng khai báo tạm vắng”, “số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử”… vì những thông tin này sẽ rất dễ lạc hậu, đòi hỏi phải cập nhật thường xuyên mới bảo đảm được tính chính xác.

Tại khoản 2, Điều 20 dự thảo Luật quy định, người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo yêu cầu. Bên cạnh đó, tại Điều 22 dự thảo Luật cũng quy định, người đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Điều này có nghĩa là một người nếu được cấp căn cước theo yêu cầu từ năm đủ 12 tuổi thì đến năm 14 tuổi không phải cấp đổi lại, mà được sử dụng Căn cước đến năm 25 tuổi mới phải cấp đổi. Trong khi đó, ở khoản giữa độ tuổi này hình dáng, nhân diện có thể có nhiều thay đổi, nếu sử dụng căn cước được cấp (được chụp hình từ năm 12 tuổi) để sử dụng cho đến năm 25 tuổi thì cần phải xem lại. Đề nghị Ban soạn thảo cũng giải thích rõ hơn về sự cần thiết khi bổ sung đối tượng “người dưới 14” tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo yêu cầu như dự thảo Luật. Bởi, hiện nay, đối tượng này cũng rất ít sử dụng Căn cước, các giao dịch, các vấn đề có liên quan chủ yếu vẫn thực hiện thông qua cha, mẹ hoặc người đại diện và đến thời điểm này cũng chưa thấy báo cáo có bất cập. Hơn nữa, nếu đối tượng này được cấp Căn cước theo nhu cầu thì sẽ dẫn đến tình trạng người có người không, cũng sẽ rất khó đồng bộ trong việc quản lý đối với nhóm đối tượng này.

Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trong trường hợp người đã được cấp thẻ căn cước nhưng vì lý do nào đó không thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước theo thời hạn quy định tại khoản 1, Điều 22 thì có bị xử lý gì hay không? Nếu có thì phải bổ sung quy định cho chặt chẽ.

H. Ngọc - P. Thủy - T. Chi ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bao-dam-thuan-tien-hieu-qua-trong-quan-ly-su-dung-du-lieu-ve-dan-cu-i332053/