Bảo đảm tính bền vững của quỹ Bảo hiểm xã hội

Thảo luận tại tổ về việc thực hiện chế độ, chính sách về Bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH; đồng thời kiến nghị, trong bối cảnh nguồn thu giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc quản lý, sử dụng và phát triển Quỹ BHXH và Quỹ BHYT cần tăng cường các biện pháp quản trị tích cực nhằm bảo đảm tính bền vững, an toàn của các quỹ này.

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang)

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang)

Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp)cho rằng, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 đặt ra, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH đã được thực hiện tốt, đặc biệt phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đạt 1,1 triệu người, chiếm 2,33% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đặc biệt, có sự tăng trưởng xấp xỉ 400.000 người tham gia mới. BHXH tự nguyện đã tăng 2 lần so với năm 2019; đã hoàn thành kế hoạch đến năm 2025 của ngành BHXH Việt Nam. Số người tham gia BHXH tự nguyện đến nay đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm cách đây 4 năm. Đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, ngành BHXH Việt Nam là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý, điều hành, kết nối, truyền dữ liệu. Đặc biệt, việc ứng dụng ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động đã đạt được những kết quả tích cực và hướng tới quản lý, công khai và kiểm soát tốt hơn quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của các bên, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc truy cập thông tin, theo dõi diễn biến, quá trình tham gia đóng, hưởng BHXH.

Trước nguy cơ tỷ lệ rút BHXH để hưởng một lần tiếp tục tăng trong thời gian tới làm ảnh hưởng tới tính bền vững của quỹ BHXH, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có giải pháp nhằm hạn chế tỷ lệ rút BHXH hưởng một lần; đồng thời, tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật, chế độ BHXH để nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và quyền lợi của tham gia BHXH. Bên cạnh đó, tiền nợ đóng BHXH cũng đang ở mức đáng lo ngại, vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có giải pháp quyết liệt nhằm giải quyết sớm những trường hợp chậm đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN tồn đọng lâu năm.

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang)cho rằng, trong bối cảnh nguồn thu giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc quản lý hai quỹ BHXH và BHYT cần tăng cường các biện pháp quản trị nhằm bảo đảm ngưỡng an toàn. Đối với quỹ BHXH, báo cáo của Chính phủ cho biết, kết quả đầu tư sinh lời chủ yếu vào trái phiếu chính phủ đã bảo đảm được yếu tố an toàn nhưng hiệu quả chưa cao. Trong quá trình quản lý, sử dụng quỹ, đại biểu đề nghị, cần quan tâm hơn đến hiệu quả quản trị tích cực nhằm tăng giá trị của quỹ thông qua các giải pháp, công cụ tài chính.

Đối với tình trạng trục lợi BHYT, đại biểu Lê Minh Nam đề xuất nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kiểm soát hoạt động chi trả BHYT, đơn cử như việc thiết lập phần mềm đính kèm phần mềm quản lý chi trả BHYT.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-tinh-ben-vung-cua-quy-bao-hiem-xa-hoi-rydjqfzj1e-65012