Bảo đảm tính hợp lý, khả thi của quy định và lợi ích của doanh nghiệp
Ngày 18/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Đáng chú ý, hội thảo đã trao đổi nhiều nội dung quan trọng như chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án; xử lý tài sản trên đất và quyền thuê đất trả tiền hàng năm; thi hành án có yếu tố nước ngoài, phán quyết của trọng tài thương mại…
Theo đó, Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008 được Quốc hội ban hành, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng, từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác THADS với kết quả năm sau cao hơn năm trước, ngày càng bền vững.
Với hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ, đồng bộ, hoạt động THADS đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, góp phần quan trọng thực thi công lý, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, trước yêu cầu phát triển của đất nước; yêu cầu của Đảng, nhà nước và xã hội, đặt ra những vấn đề mới phải giải quyết, Luật THADS bộc lộ những bất cập, cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong giai đoạn mới, cụ thể: Một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bổ sung trách nhiệm, phạm vi hoạt động THADS, cần được bổ sung trong Luật THADS để tạo đồng bộ, thống nhất. Đồng thời cần quy định được rõ hơn một số nguyên tắc tuân thủ trong hoạt động THADS để thể chế hóa các nguyên tắc theo Quy định số 132-QĐ/TW.
Một số quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện như: Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động THADS, thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa một số hoạt động THADS theo Nghị quyết số 49-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Đảng, nhất là cơ sở để người được THADS có quyền và nghĩa vụ chủ động xác minh, chứng minh điều kiện thi hành án, đề nghị áp dụng các biện pháp bảo đảm THADS.
Cơ chế người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, thu nhập chưa được quy định đầy đủ; chưa có cơ chế hiệu quả để xác định, xử lý nghiêm hành vi vi phạm hành chính, hình sự với trường hợp cố tình trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, che giấu, cản trở, chống đối người thi hành công vụ trong THADS. Cùng với đó, cơ chế miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, hoặc đình chỉ thi hành còn bất cập…
Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, Dự thảo Luật THADS (sửa đổi) hiện nay giữ nguyên kết cấu của Luật hiện hành với 09 chương và 231 điều, trong đó có 50 điều xây dựng mới, 93 điều được sửa đổi, bổ sung (chiếm 52% tổng số điều luật hiện hành).
So với Luật THADS hiện hành, dự thảo Luật THADS (sửa đổi) có nhiều điểm mới. Cụ thể, dự thảo bổ sung phạm vi điều chỉnh; những bản án, quyết định được thi hành (Điều 1, Điều 2) mà các Luật liên quan giao cho cơ quan THADS tổ chức thi hành, gồm: Các biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc pháp nhân thương mại công khai xin lỗi, án phí; phần dân sự khác trong bản án, quyết định hình sự; Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án…