Bảo đảm tính khả thi, không tạo ra khó khăn, vướng mắc mới

Cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật về đầu tư, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi, thực tế, cụ thể của các điều khoản, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo thêm khó khăn, vướng mắc, bất cập mới, hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, gây bất lợi cho người dân và doanh nghiệp.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

“Vướng đến đâu sửa đến đấy, khẩn trương nhưng không vội vàng"

Cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện công tác quy hoạch, hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác tổ chức thực hiện.

“Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu với 9 nhóm chính sách lớn. Trong khi đó, dự án Luật được dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình một kỳ họp và soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn”. Lưu ý điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng điều chỉnh.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Để bảo đảm chất lượng dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát để tháo gỡ những vướng mắc mang tính tổng thể, vướng ở nhiều điều khoản, còn nếu chỉ vướng ở một, hai điều hay chỉ có một, hai dự án nhỏ gặp vướng mắc thì không phải vấn đề bức xúc. Nói cách khác, tháo gỡ vướng mắc phải mang tính tổng thể, bảo đảm tháo gỡ xong phải giải quyết được nhiều vấn đề. Đồng thời, với những vấn đề mới, trong dự thảo Luật cần thể hiện theo hướng tạo thuận lợi, nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn cho người dân và doanh nghiệp; "không nên mở ra mà quản lý nhà nước chặt hơn nhưng lại khó hơn cho người dân và doanh nghiệp".

Với quan điểm như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, tinh thần chung là chỉ xem xét với những vấn đề Chính phủ đã đề xuất, chưa đưa vào dự thảo những nội dung chưa chắc chắn, và cơ bản không đề nghị bổ sung vấn đề mới, nếu cần thiết sẽ trình Quốc hội nghiên cứu tiếp trong các kỳ họp sau. “Vướng đến đâu sửa đến đấy, không cầu toàn, khẩn trương nhưng không vội vàng. Những nội dung sửa đổi phải bảo đảm thiết thực, khả thi, là những vấn đề cấp bách, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập mới”, Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Nhấn mạnh yêu cầu “phải bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh sửa chỗ này lại khó chỗ khác và đề phòng rủi ro pháp lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu đưa nội dung sửa đổi tại các Điều 1, 6, 20 của Luật Quy hoạch như hiện nay sẽ mâu thuẫn với Điều 59 của Luật hiện hành. Bởi, trước đây, với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, đồng thời trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch đã rà soát 95 luật, pháp lệnh và nghị quyết; nếu bây giờ quay lại như đề xuất tại dự thảo Luật sẽ rất phức tạp về mặt pháp lý và không có khả năng thực hiện. Do đó, “nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu thêm, chưa thể đưa ngay vào dự thảo Luật lần này”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Thủ tục đầu tư đặc biệt phải thực sự đặc biệt

Một trong những điểm mới căn cốt của dự thảo Luật lần này, đó là có đưa ra quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án, tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip, và lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày.

 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đánh giá “đây là quy định mang tính đột phá, góp phần giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư”, nhưng Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ rõ, quy định này liên quan tới nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực xây dựng, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy. Do đó, cần tính toán theo hướng có thể bổ sung một quy định mang tính nguyên tắc nhằm xử lý vướng mắc trong trường hợp một số quy trình, thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện dự án có yêu cầu trong hồ sơ phải có các giấy phép hoặc giấy tờ khác có liên quan đến các nội dung đã được miễn thì cơ quan nào có thẩm quyền xử lý và xử lý như thế nào? “Nếu không quy định rõ về những vấn đề nêu trên sẽ dẫn đến lúng túng, thiếu thống nhất trong quá trình thực hiện”, Tổng Thư ký Quốc hội lưu ý.

Nhất trí với việc dự thảo Luật quy định về thực hiện thủ tục đầu tư đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, thủ tục đầu tư đặc biệt phải nhanh, không dừng lại ở rút gọn những thủ tục hiện hành, nhất là thủ tục đầu tư phải được thiết kế đặc biệt. Theo đó, trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải có tất cả các hồ sơ về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường… “Nếu thủ tục vẫn như hiện nay, gộp bước nọ, gộp bước kia thì chưa phải đặc biệt và chưa thể nhanh được. Thủ tục đầu tư đặc biệt phải đặc biệt về hồ sơ, thủ tục, quy trình và chỉ qua một đầu mối thực hiện”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong sửa đổi Luật Đầu tư lần này đã có một cải tiến rất mạnh nhưng chưa mạnh dạn cho phép tất cả dự án nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mới đều được thực hiện theo cơ chế “luồng xanh”.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, nếu áp dụng theo quy định tại dự thảo Luật thì thủ tục đầu tư đặc biệt chỉ thực hiện “giới hạn” với một số dự án công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế mới. Tuy nhiên, nếu không áp dụng đồng loạt với các dự án nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế mới thì nhà đầu tư sẽ phải chứng minh theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ rất phức tạp.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, cần rà soát để bảo đảm các quy định trình Quốc hội sửa đổi phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tính khả thi, thực tế, cụ thể của các điều khoản trong dự thảo Luật, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước và gây bất lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, cần bảo đảm thực hiện đúng quan điểm đã xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-tinh-kha-thi-khong-tao-ra-kho-khan-vuong-mac-moi-post392883.html