Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bằng luật pháp là hết sức cần thiết
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến dự án Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTATGT). Từ góc nhìn cơ quan nghiên cứu lý luận và thực tiễn, chúng tôi nhận thấy đây là dự án luật hết sức quan trọng, cần được xem xét, thảo luận, thông qua.
Tại sao cần ban hành Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ?
Những năm qua, nhất là từ 2011 đến nay, công tác bảo đảm TTATGT luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng CAND nói chung, Cảnh sát giao thông nói riêng là nòng cốt, trực tiếp tham gia và kết quả đạt được rất quan trọng, TTATGT có chuyển biến tích cực, văn hóa giao thông từng bước định hình, tạo được đồng thuận, lan tỏa cao trong nhân dân.
Thái độ ứng xử, giải quyết khi có ùn tắc, va chạm giao thông nhân văn, lịch sự hơn, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong chấp hành, hướng dẫn, giúp đỡ người, phương tiện không may bị tại nạn và là đã kiềm chế, kéo giảm được tại nạn giao thông. Từng bước khắc phục, giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là ở trung tâm các đô thị lớn, tuyến giao thông chính vào ngày, giờ cao điểm.
Tuy nhiên, tình hình TTATGT đường bộ hiện ở nước ta còn phức tạp, rất đáng lo ngại và tai nạn giao thông luôn hiện hữu, đe dọa sức khỏe, tính mạng, tài sản… Đây là nỗi ám ảnh của xã hội và người dân mà trước tiên là do ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật về giao thông, văn hóa giao thông của một bộ phận người dân, nhất là những người điều kiển xe cơ giới còn thấp, có nhiều vi phạm; sự tùy tiện, coi thường pháp luật gây tâm lý ức chế, bức xúc cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến tháng 8/2020, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 58.800.929 trường hợp vi phạm, trong đó nổi lên một số vi phạm phổ biến, rất nghiêm trọng, nguy cơ gây ra tai nạn cao như vượt đèn đỏ, lùi xe và đi ngược chiều trên đường cao tốc; sử dụng điện thoại, nhắn tin không quan sát đường khi lái xe; đỗ dừng xe tùy tiện, không đúng nơi qui định; chiếm dụng hết vỉa hè, lề đường, tận dụng lòng đường để đổ vật liệu, tổ chức sự kiện, bán hàng, họp chợ; lái xe đang trong cơn “ngáo đá”, “khát ma túy”, say rượu, bia hoặc chất kích thích khác; điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, giấy phép lái xe giả, đã bị thu hồi do vi phạm hoặc gây tai nạn; chở quá tải, quá khổ, quá số người quy định; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; chống người thi hành công vụ, bỏ chạy không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng khi có vi phạm hoặc gây tai nạn.
Đồng thời, ùn tắc giao thông luôn thường trực, phức tạp, xảy ra không chỉ ở những nơi đông người, nhiều phương tiện qua lại, trung tâm các đô thị lớn, đầu mối giao thông trọng điểm... vào những ngày, giờ cao điểm mà có xu hướng lan rộng cả về không gian, thời gian, tính chất, qui mô. Mỗi khi xảy ra ùn tắc thì tình trạng người, phương tiện lại rất thiếu nhường nhịn, cố chen lấn, xô đẩy, đi hết lên vỉa hè, lề đường, một số còn lạng lách, chèn cả vào đầu xe, chắn hết phần đường ngược chiều, làm cho giao thông vốn tắc nghẽn cục bộ càng phức tạp. Thực trạng này gây lãng phí nguồn nhân lực, thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, sức khỏe, đời sống người dân, tác động không tốt đến môi trường đầu tư, du lịch và làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam vốn thân thiện, an toàn, mến khách trong mắt du khách và bạn bè quốc tế.
Đặc biệt tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân. Từ năm 2009 đến tháng 8/2020, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra khoảng 334.901 vụ, làm chết 101.810 người, bị thương 336.094 người (trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 người chết và gần 33.000 người bị thương), trong đó nhiều người bị thương rất nặng, tàn phế suốt đời, gây ra biết bao đau thương, mất mát và gánh nặng cho xã hội. Có đến 90% số vụ xảy ra do những bất cẩn, vi phạm của người tham gia giao thông.
Tội phạm lợi dụng tình hình hoạt động giao thông phức tạp, tội phạm hình sự, ma túy… gia tăng trên các tuyến giao thông, hoạt động manh động, nguy hiểm. Từ 2009 đến tháng 8/2020, lực lượng Công an với sự phối hợp của các cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ được 29.417 vụ phạm pháp hình sự; bảo đảm giữ vững môi trường an ninh, an toàn, phục vụ phát triển kinh tế, cũng như đi lại, làm ăn của nhân dân ngày được tốt hơn.
Nguyên nhân của tình hình có nhiều, song đáng quan tâm là thể chế, chính sách, nhất là Luật Giao thông đường bộ năm 2008 còn bất cập, nhiều hạn chế, thiếu cụ thể, không quy định rõ đơn vị trách nhiệm chính và chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trước thực trạng vi phạm, ùn tắc và tai nạn giao thông luôn diễn biến rất phức tạp, ngày một gia tăng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về trật tự giao thông làm còn hình thức, nặng “khẩu hiệu”, chưa thuyết phục, hiệu quả không cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư nâng cấp, làm mới, nhiều nơi hiện đại, song còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập, không ít đoạn lòng đường hẹp…
Trong khi lượng phương tiện tăng nhanh, nhu cầu đi lại, làm ăn của người dân lại rất lớn, cùng áp lực về cuộc sống, công việc nhiều, làm cho hầu hết các tuyến đường, nhất là tại các đô thị luôn trong trình trạng quá tải, mất trật tự. Công tác quản lý nhà nước về bảo đảm, trật tự giao thông chưa phân định cụ thể, rõ ràng, nhiều khi chồng chéo, thiếu thống nhất. Vì vậy hiệu lực, hiệu quả quản lý không cao, nhất là công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn hành chính, nhiều sơ hở, có sai phạm và chưa gắn kết với công tác quản lý người lái xe sau khi được cấp giấy phép.
Theo kinh nghiệm trên thế giới thì đây là hai công việc luôn được gắn kết, không thể tách rời và chỉ do một cơ quan thực hiện. Theo các chuyên gia về ATGT thì “điều khiển xe cơ giới là điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ”, nên nếu không được quản lý xuyên suốt, thống nhất, chặt chẽ, đặc biệt ngay tại cơ sở, điểm xuất phát và trong quá trình lưu thông mà để tình trạng lái xe trong cơn “ngáo đá”, “khát ma túy”, say rượu, bia… thì hậu quả rất khó lường.
Để khắc phục những lỗ hổng về thể chế, chính sách, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ trên cơ sở kế thừa, phát triển Luật Giao thông đường bộ năm 2008, có tham chiếu Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ, các điều ước quốc tế đã ký kết mà Việt Nam là thành viên và pháp luật liên quan của nhiều nước. Dự thảo đã lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, xin ý kiến thành viên Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến… Trên cơ sở đó, ban soạn thảo đã tiếp thu chỉnh lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội thảo luận, quyết định.
Về những ý kiến còn băn khoăn
Về cơ bản, dự án luật nhận được đồng thuận cao và được đánh giá xây dựng hết sức công phu, chất lượng trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu cấp thiết thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, qua lấy ý kiến, cũng có những ý kiến băn khoăn như: Sự cần thiết xây dựng, ban hành dự án Luật đảm bảo TTATGT đường bộ khi đã có Luật GTĐB do Bộ GTVT soạn thảo, hai dự luật có chồng chéo nhau; cân nhắc dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ quy định thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và thẩm quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ thuộc Bộ Công an…
Quy định như vậy có tốt hơn, có tránh được phiền hà, tiêu cực? Có gây lãng phí và làm dư dôi cán bộ, công chức khi những cán bộ, nhân viên này đang thuộc biên chế tại Bộ GTVT? Ngược lại, việc giao cho Bộ Công an quản lý, sát hạch giấy phép lái xe có làm tăng ngân sách, biên chế ở Bộ Công an?...
Thiết nghĩ, những băn khoăn trên cũng là lẽ thường khi điều chỉnh một số vấn đề về tổ chức, bộ máy. Các ý kiến đưa ra là tâm huyết, trách nhiệm, đáng trân trọng và đều được cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình nghiêm túc, thấu đáo. Về những vấn đề này, chúng tôi nhận thấy:
Thứ nhất, bộ máy, tổ chức, biên chế của Bộ Công an hiện nay là khoa học, chính quy, hiệu lực ở 4 cấp. Nếu dự án luật được Quốc hội thông qua, Bộ Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, đổi mới phong cách làm việc, phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Coi trọng ứng khoa học công nghệ trong giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm; nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực nội bộ, hiệu lực quản lý, phòng ngừa vi phạm TTATGT…
Như vậy sẽ ngăn ngừa tiêu cực, tránh phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân. Đồng thời tiếp tục tinh giản biên chế hiện có, điều chỉnh quân số hiện nay đảm nhận nhiệm vụ được giao nên không làm tăng biên chế, tăng ngân sách. Đối với cán bộ, nhân viên thuộc Bộ GTVT làm việc tại các bộ phận này thì hai bộ sẽ nghiên cứu để có phương án sắp xếp phù hợp.
Thứ hai, từ góc nhìn của người làm khoa học, có tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, chúng tôi thấy TTATGT đường bộ là lĩnh vực đặc thù, lại liên quan và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là quyền con người, quyền công dân… Vì vậy, dự án luật được thông qua sẽ là nền tảng pháp lý bảo đảm thực thi hiệu quả giải pháp cấp bách về TTATGT đường bộ, từng bước khắc phục được thực trạng phức tạp hiện nay. tai nạn giao thông được các quốc gia coi là thảm họa toàn cầu, mà theo cảnh báo của WHO, trên thế giới cứ 20 giây có một người tử vong vì tai nạn giao thông, thiệt hại kinh tế 2% tổng GDP (khoảng 1.500 tỷ USD) và nếu đưa so sánh với các cuộc chiến tranh từng xảy ra thì thiệt hại do tai nạn giao thông lớn hơn rất nhiều.
Thứ ba, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đã nội luật hóa đa số các quy định trong Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ và bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ tư, về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đây cũng là một biện pháp phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông và phòng ngừa vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Vì vậy, khi tách ra thành hai luật thì nội dung trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là phù hợp, không trùng lặp với Luật GTĐB hiện hành. Quá trình soạn thảo luật, Bộ Công an và Bộ GTVT tiếp tục rà soát, chỉnh lý không để các quy định chồng chéo, trùng lặp với dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Cuối cùng, chúng tôi thấy rằng, bảo đảm TTATGT đường bộ có những nội dung đặc thù nên việc Quốc hội quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành liên quan trong dự thảo Luật này là phù hợp. Việc thông qua dự luật cũng là động lực để tập trung mọi được nguồn lực, từng bước tái cấu trúc không gian giao thông, không gian đô thị bảo đảm trật tự, tiến bộ, hiện đại, ngang tầm thời kỳ mới.