Bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), các địa phương ven biển tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó, trong đó trọng tâm là di dời dân cư vùng xung yếu, lao động nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính, các chòi canh ngao và hộ dân có nhà yếu, nhà tạm, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Lực lượng chức năng xã Hưng Phú tuyên truyền người dân di dời đến khu vực an toàn.
Chủ động, quyết liệt từ cơ sở
Là địa phương ven biển, xã Đông Thụy Anh có 15,2 km đê, 456 hộ (489 nhân khẩu) nuôi trồng thủy sản trong đê chính, cùng 135 hộ (396 nhân khẩu) ngoài đê chính. Ngoài ra, địa phương còn có 75 chòi nuôi ngao với 64 lao động trực tiếp canh coi. Đây là đối tượng có nguy cơ cao khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền. Chủ động ứng phó với bão số 3, xã Đông Thụy Anh đã cấm biển từ 18h ngày 20/7; đồng thời dừng toàn bộ hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản tại các khu vực cửa sông, ven biển. Cùng với đó, xã tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn 143 tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn.

Lực lượng biên phòng và công an xã Đông Thụy Anh hỗ trợ lao động trông coi nuôi ngao ngoài bãi triều đến nơi tránh trú bão an toàn.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Đông Thụy Anh cho biết: Địa phương xác định phải ưu tiên hàng đầu công tác di dời dân cư, nhất là lao động ở các chòi canh, hộ nuôi trồng thủy sản ngoài đê, hộ có nhà yếu, để hạn chế tối đa thiệt hại. Đến 11 giờ ngày 21/7, toàn bộ các đối tượng này đã được sơ tán đến nơi an toàn. Bà Phạm Thị Vần, thôn Vạn Xuân Đông, cho biết: Tôi có 20 ha nuôi ngao ở bãi triều, 3 chòi trông coi với 3 lao động. Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, đến 21 giờ ngày 20/7, tôi và các lao động đã thu xếp về nhà trú bão. Mong sao bão không ảnh hưởng lớn, để bà con sớm trở lại sản xuất.
Trong suốt quá trình triển khai nhiệm vụ, lực lượng biên phòng, công an, quân sự tại cơ sở đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt, vừa tuyên truyền, vừa trực tiếp hỗ trợ người dân vào nơi tránh trú bão an toàn. Trung tá Hoàng Công Oai, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Diêm Điền cho biết: Đồn huy động 7 cán bộ phối hợp chặt chẽ với công an, quân sự tổ chức tuyên truyền, yêu cầu người dân, đặc biệt là lao động tại các chòi ngao rời khu vực nguy hiểm trước 11 giờ ngày 21/7; đồng thời, hướng dẫn bà con chằng chống nhà cửa, chủ động phòng ngừa thiệt hại.
Tổ chức tốt lực lượng tại chỗ
Xã Đông Thái Ninh có 5,5 km đê biển, đã chủ động triển khai sớm các phương án ứng phó với bão, bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Ông Vũ Trọng Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 57 hộ nuôi ngao với diện tích 291 ha, cùng 26 chòi trông coi ven bãi triều. UBND xã đã thành lập 4 cụm phòng, chống thiên tai, bố trí lực lượng thường trực tại các hợp tác xã. Các khu vực giáp biển bố trí hai Phó Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ huy. Đến 12 giờ trưa 21/7, tất cả các chòi canh, hộ dân ngoài đê và nhà yếu đã được sơ tán về nơi an toàn.
Tại xã Hưng Phú một trong những địa phương có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, toàn bộ hệ thống chính trị được kích hoạt, bảo đảm triển khai khẩn trương, kịp thời. Ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương có 45 tàu thuyền với 115 lao động, 143 cơ sở nuôi trồng thủy sản, 14 lao động trông coi chòi ngao, hàu và 60 người kinh doanh tại khu du lịch Cồn Vành. Chúng tôi xác định phải thông tin sớm, rõ ràng để người dân nắm bắt, chủ động vào bờ, tránh thiệt hại. Việc hoàn thành sơ tán trước 10 giờ ngày 21/7 là kết quả từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và tinh thần chủ động cao của người dân.
Ông Nguyễn Văn Miện, hộ kinh doanh tại Khu du lịch Cồn Vành chia sẻ: Tôi đã chủ động di chuyển người và tài sản, chằng chống cơ sở từ ngày 19/7. Nhờ cán bộ xã thường xuyên thông tin, tôi biết rõ mức độ nguy hiểm và yên tâm làm theo hướng dẫn.
Theo thống kê, các xã ven biển của tỉnh Hưng Yên có 1.179 chòi canh ngao, 1.254 lao động và 1.128 đầm nuôi trồng thủy sản đang hoạt động. Trong điều kiện bão số 3 di chuyển nhanh, việc hoàn thành công tác di dời người dân, bảo đảm an toàn phương tiện, tài sản trước 12 giờ ngày 21/7 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tinh thần chủ động, quyết liệt, phối hợp nhịp nhàng giữa cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng và người dân góp phần giúp các xã ven biển giữ vững thế chủ động trong ứng phó với bão số 3, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.