Kỳ cuối: Khoảng cách giữa nghị quyết cho đến nghị trường được rút ngắn

Nghị quyết 66-NQ/TW là một trong những văn kiện có tính khả thi cao. Bởi lẽ, ngoài mục tiêu rõ ràng, nghị quyết còn đặt ra các mốc thời gian cụ thể cho từng giai đoạn…

Nghị quyết số 66-NQ/TW - giải pháp đột phá của đột phá trong hoàn thiện thể chế

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Quochoi.vn

Tác động trực tiếp đến hoạt động của Quốc hội

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhận định, Nghị quyết số 66-NQ/TW được xem là một bước chuyển mới quan trọng, có tác động trực tiếp đến hoạt động của Quốc hội và đời sống chính trị, pháp lý của đất nước.

Ngay sau khi T.Ư ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW, ngày 4/5, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác xây dựng pháp luật để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV có tính lịch sử, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, liên quan đến cả hoạt động lập pháp cũng như tác động đến kinh tế-xã hội, tạo ra một bước chuyển mới cho đất nước. Kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, với việc xem xét thông qua 34 luật và cho ý kiến về 14 dự án luật khác; đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế -xã hội của đất nước. Sự linh hoạt, trách nhiệm của Chính phủ, của Quốc hội trong triển khai Nghị quyết 66 thể hiện ngay ở những sản phẩm, nội dung của gần 50 dự thảo luật được xem xét và thông qua tại kỳ họp này.

Những dự thảo luật này đang được thể hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 66-NQ/TW, đó là khoảng cách giữa nghị quyết cho đến nghị trường được rút ngắn thể hiện tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm cao của Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Công khai, minh bạch trong thi hành pháp luật

Luật sư Hoàng Minh Hiển đồng quan điểm cho rằng, tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu do nhiều nguyên nhân mà có thể nói những nguyên nhân chính đến từ thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hoặc phản ứng nhưng hiệu quả không cao, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Các bước đột phá trong công tác thi hành pháp luật nhằm bảo đảm pháp luật được thực hiện một cách công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả gồm một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, cần nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ làm công tác thi hành pháp luật: công tác thi hành pháp luật đòi hỏi cán bộ phải có kiến thức pháp luật vững, khả năng giải quyết các tình huống thực tiễn linh hoạt, đúng pháp luật. Do đó, cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi và liên ngành khi pháp luật mới ban hành hoặc các kỹ năng giải quyết vụ việc. Bên cạnh đó, cần thường xuyên quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ làm công tác thực thi pháp luật nhằm ngăn ngừa các vi phạm hoặc tiêu cực phát sinh từ cán bộ khi thực thi nhiệm vụ.

Thứ hai, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật: ngày nay, công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ theo hướng ngày càng đến gần với đời sống xã hội. Việc ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật theo thời gian thực, phát hiện những vướng mắc, trì trệ để có biện pháp xử lý kịp thời. Ví dụ: Sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ thi hành án dân sự để theo dõi tiến trình, kết quả thi hành án để giảm thiểu hiện tượng chậm trễ, gây bức xúc.

Thứ ba, thực hiện các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật: để pháp luật được thực thi thì người thực thi pháp luật phải đảm bảo thực thi đúng với chức vụ, quyền hạn và chức năng nghề nghiệp. Do đó, để hạn chế các vi phạm pháp luật của cán bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ thì cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật đối với cán bộ thực thi pháp luật là rất quan trọng để duy trì tính nghiêm minh, công bằng, và nâng cao hiệu quả của công tác thi hành pháp luật.

Thứ tư, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thi hành pháp luật: đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thi hành pháp luật đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đảm bảo sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật Nhà nước. Trong quá trình quản lý và thi hành pháp luật, việc tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất giúp phát hiện kịp thời những tồn tại, thiếu sót, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Qua đó, tạo ra sức ép để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội.

Công tác thanh tra là một công cụ quan trọng trong hoạt động này, giúp kiểm tra thực thi các quy định pháp luật theo kế hoạch hoặc theo yêu cầu đột xuất, qua đó xác định nguyên nhân của các bất cập và đề xuất các biện pháp sửa đổi phù hợp. Việc này không chỉ giúp tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, mà còn góp phần xây dựng môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, công bằng. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ trong giám sát, như phần mềm quản lý, camera, truy xuất nguồn gốc, dữ liệu số, giúp nâng cao tính chính xác, hiệu quả và kịp thời trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong giám sát việc thực thi pháp luật thông qua các hoạt động cụ thể trong ngành nghề cụ thể.Ngoài ra, cần tạo điều kiện để Nhân dân thực hiện quyền giám sát bằng việc phản ánh các vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật, qua đó phát hiện những biểu hiện tiêu cực, sai phạm.

Thứ năm, tăng cường công khai, minh bạch trong thi hành pháp luật: công khai, minh bạch trong thi hành pháp luật là yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng nền pháp quyền dân chủ, công bằng và phát triển bền vững. Khi hoạt động thi hành pháp luật được công khai rõ ràng, các thông tin về quy trình, quyết định, kết quả xử lý vi phạm sẽ dễ dàng tiếp cận và giám sát bởi các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Việc công khai, minh bạch sẽ giúp hạn chế tiêu cực, tham nhũng, giảm thiểu các hành vi lợi dụng quyền hạn để trục lợi hoặc bỏ sót sai phạm. Ngoài ra, công khai minh bạch còn nâng cao ý thức pháp luật của cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó tự bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của chính bản thân và những người thân trong gia đình.

Trong bối cảnh thời đại số, việc sử dụng công nghệ để công khai thông tin một cách nhanh chóng, rộng rãi còn làm tăng tính minh bạch, như: niêm yết công khai quyết định xử phạt, kết quả thanh tra, kiểm tra trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức.

Chưa bao giờ chúng ta ở trong một giai đoạn mang tính hành quân, vừa nhận nhiệm vụ, vừa triển khai và vừa phải bảo đảm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thời gian qua là “vừa chạy vừa xếp hàng".

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-cuoi-khoang-cach-giua-nghi-quyet-cho-den-nghi-truong-duoc-rut-ngan-425445.html