Bảo đảm xử lý nghiêm các trường hợp phạm tội nghiêm trọng, có tổ chức

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự vẫn giữ hình phạt tử hình là 'mua bán' và 'sản xuất' - vẫn bảo đảm xử lý nghiêm các trường hợp nghiêm trọng, có tổ chức.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự thảo cố gắng căn chỉnh các quy định trong Bộ luật để phù hợp với thực tiễn, luật pháp quốc tế và yêu cầu quản lý

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự thảo cố gắng căn chỉnh các quy định trong Bộ luật để phù hợp với thực tiễn, luật pháp quốc tế và yêu cầu quản lý

Nâng mức phạt cao hơn nhiều lần với tội phạm về hàng giả

Cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, ngày 27/5, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước cũng như thực tiễn phát triển kinh tế-hội của đất nước.

Theo đó, Luật xem xét nâng mức phạt cao hơn nhiều lần với tội phạm về hàng giả. Cụ thể, khoản 22 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5 và khoản 6 của Điều 194 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh.

Tại điểm b khoản 4 quy định “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tù chung thân không xét giảm án: a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; b) Làm chết 02 người trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Nam (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh... là loại tội phạm đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Theo thống kê công tác giám định hàng giả thời gian gần đây cho thấy, năm 2022 có 144 vụ, năm 2023 có 111 vụ, năm 2024 có 164 vụ. Trong đó, hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm chiếm khoảng 34%; hàng giả là thuốc giả, thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh chiếm khoảng 20%; hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi chiếm khoảng 25%; các loại hàng giả khác như hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng chiếm khoảng 21%.

Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2025, số lượng giám định hàng giả tăng đột biến với 85 vụ, có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng với số lượng cực lớn.

Qua công tác giám định cho thấy, có sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này; trước đây chủ yếu là làm giả về nhãn mác, thương hiệu nhưng hiện nay có cả làm giả về chất lượng sản phẩm, như không bảo đảm thành phần, hàm lượng các hoạt chất được công bố, không công khai thành phần gây hại, dị ứng, chất bị cấm.

Mặt khác, lợi dụng sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước về việc phải công bố chất lượng, tiêu chuẩn cơ sở, thông tin trên nhãn mác, bao bì sản phẩm, không yêu cầu chứng minh công dụng sản phẩm, nên các đối tượng đã cố tình đăng ký nhiều sản phẩm khác nhau về công dụng, đối tượng sử dụng, nhưng thành phần nguyên liệu không thay đổi. Đây là vấn đề lớn đặt ra cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Do tính chất phức tạp, nguy hiểm và hậu quả của loại tội phạm này đối với xã hội là không thể đo đếm được, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị nâng mức phạt tiền lên cao hơn có thể là 3-4 lần so với mức tăng 2 lần như dự thảo Luật đối với các loại tội phạm về hàng giả tại các Điều 192, 193, 194, 195 và 317 Bộ luật Hình sự.

Tranh luận về đề xuất bỏ án tử hình đối với một số tội danh

Cũng trong phiên thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM) cho biết, có ý kiến cho rằng, nhiều trường hợp pháp luật quy định hình phạt tử hình nhưng trên thực tế lại không được áp dụng, từ đó cho rằng "án tử hình không còn cần thiết". Theo ông Nghĩa, cách lập luận đó chưa hoàn toàn chính xác.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận với ý kiến "án tử hình không còn cần thiết"

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận với ý kiến "án tử hình không còn cần thiết"

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi vì sao không nghĩ rằng chính sự tồn tại của án tử hình đã tạo ra tác dụng răn đe mạnh mẽ, khiến các đối tượng phạm tội hành động dưới mức dẫn đến tử hình và do đó tòa không tuyên án tử hình? Ông Nghĩa nêu câu hỏi và nhấn mạnh việc giữ lại hình phạt tử hình, trong nhiều trường hợp, chính là để đảm bảo hiệu lực răn đe, từ đó góp phần phòng ngừa tội phạm.

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị khi xây dựng luật hình sự, cần có sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền lợi của phạm nhân và nạn nhân. Trong một số trường hợp, nạn nhân chỉ là một hoặc vài cá nhân; nhưng cũng có những trường hợp nạn nhân là hàng vạn, hàng triệu người, trong đó có trẻ em, người già, người bệnh và nhiều nhóm yếu thế khác.

Rất nhiều người trong xã hội, đặc biệt là người yếu thế, không có điều kiện để tự bảo vệ mình. Họ đặt niềm tin vào pháp luật và vào Nhà nước. "Do đó, khi thiết kế luật pháp, nhất là luật hình sự, chúng ta phải trả lời rõ ràng câu hỏi: Chúng ta bảo vệ ai? Và ưu tiên bảo vệ ai? Đây là cách tiếp cận mà tôi cho là hợp lý và nên được xem xét", ông Nghĩa nêu ý kiến

Phù hợp với thực tiễn, luật pháp quốc tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cho biết tại phiên thảo luận tổ ngày 20/5 đã ghi nhận 109 ý kiến phát biểu. Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 27/5, đã có 21 lượt phát biểu của 20 đại biểu Quốc hội liên quan đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Đa số các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung do Chính phủ trình, đồng thời tập trung góp ý kiến sâu vào những vấn đề trọng tâm. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến không hoàn toàn đồng thuận với một số đề xuất cụ thể, trong đó có đề xuất bỏ án tử hình đối với một số tội danh.

Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo cố gắng căn chỉnh các quy định trong Bộ luật để phù hợp với thực tiễn, luật pháp quốc tế và yêu cầu quản lý.

Một yếu tố quan trọng khác là sự tham gia góp ý và thực tiễn áp dụng từ các cơ quan tố tụng như Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, giúp đưa ra các đề xuất sát thực tiễn.

Cụ thể, với đề xuất bỏ án tử hình với 8 tội danh, Phó Thủ tướng cho biết, theo tổng hợp đến năm 2024, 142/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã bỏ án tử hình trên phương diện luật định hoặc thực tiễn (tức là luật vẫn có nhưng không áp dụng).

"Nếu Quốc hội thông qua việc bỏ 8 tội danh nữa, thì số tội còn lại có mức hình phạt tử hình sẽ giảm từ 18 xuống còn 10. So với con số 44 tội có án tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1985, rồi 29 tội trong luật năm 1999, và 18 tội sau sửa đổi năm 2015 (bổ sung 2017) thì đây là một bước tiến dài, thể hiện sự thay đổi căn bản trong quan điểm chính sách hình sự của nước ta, đặc biệt là với hình phạt nghiêm khắc nhất: tước quyền sống của con người", Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu.

Về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, trong quá trình soạn thảo, cơ quan chuyên môn đã thảo luận rất kỹ. Trường hợp nếu vận chuyển phục vụ trực tiếp cho buôn bán hoặc sản xuất ma túy, thì vẫn có thể xử lý theo hai tội danh còn giữ hình phạt tử hình là "mua bán" và "sản xuất". Nghĩa là vẫn bảo đảm xử lý nghiêm các trường hợp nghiêm trọng, có tổ chức.

Về việc tái hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, dự thảo cũng đã cân nhắc tới việc phân loại rạch ròi. Việc tái hình sự hóa chỉ áp dụng cho những trường hợp người đang cai nghiện hoặc đã cai nhưng tái nghiện, thất bại chứ không áp dụng một cách tràn lan, không có phân loại.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, cụ thể, kèm theo các số liệu, lập luận, dẫn chứng rõ ràng, để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 10. Đồng thời, Chính phủ cũng đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phương Liên

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/bao-dam-xu-ly-nghiem-cac-truong-hop-pham-toi-nghiem-trong-co-to-chuc-102250527152728932.htm