Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo Đổi mới sáng tạo ngành Y dược vào ngày 25/9

Sáng ngày 25/9, Báo Đầu tư sẽ tổ chức Hội thảo Y tế với chủ đề 'Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược' tại khách sạn Sheraton, Hà Nội.

Hội thảo dự kiến có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các Bộ ngành, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp y tế - dược phẩm trong nước và quốc tế.

Chương trình hội thảo sẽ có các bài trình bày cùng 2 phiên thảo luận, trao đổi về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững ngành y dược trong giai đoạn mới, những động lực phát triển mới, những xu hướng, vai trò của các bên liên quan, và bài học kinh nghiệm từ các nước.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đa quốc gia như AstraZeneca, Takeda và Viatris sẽ chia sẻ về hành trình đồng hành cùng sự phát triển bền vững của ngành y tế Việt Nam, những chiến lược tương lai nhằm đưa các giải pháp tiên tiến, những phát minh mới toàn cầu đến Việt Nam, góp phần tăng cường tiếp cận các giải pháp y tế, phòng ngừa bệnh tật hiệu quả và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.

Hội thảo được kỳ vọng là kênh đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như tăng cường cơ hội kết nối.

Ngành dược Việt Nam được đánh giá nhiều tiềm năng phát triển và hấp dẫn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs). Giá trị ngành dược phẩm Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc từ 2,7 tỷ đô la năm 2015 lên mức 7,6 tỷ đô la năm 2023, được xem là một trong những thị trường chiến lược và tăng trưởng nhanh chóng ở khu vực ASEAN đối với một số Tập đoàn Dược phẩm Đa quốc gia.

Việt Nam đặt khát vọng trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về thử nghiệm, nghiên cứu và sản xuất thuốc chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2045 đóng góp trên 20 tỷ đô la Mỹ cho GDP cả nước. Cách tiếp cận mới để phát triển ngành y dược chú trọng đổi mới sáng tạo, tiến bộ công nghệ và chuyển đổi số được coi là động lực then chốt để thành công, sẽ giúp Việt Nam phát triển và đưa ngành dược lên một tầm cao mới.

Đổi mới sáng tạo trong y tế không chỉ là vấn đề phát triển ngành, mà còn gắn liền với các lợi ích xã hội mang lại cho người bệnh nói riêng và người dân nói chung, góp phần giải quyết những thách thức mà hệ thống y tế đang đối mặt, cũng như nâng tầm năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các thị trường mới nổi khác.

Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo ngành y tế đang gặp phải những vướng mắc, đòi hỏi sự nỗ lực của các bên nhằm khai phá tiềm năng đổi mới sáng tạo, giúp phát triển bền vững ngành y tế, tăng cường tiếp cận y tế chất lượng cao cho người dân…

Theo ông Darrell Oh, Chủ tịch của Pharma Group, mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa, Việt Nam cũng chưa tận dụng được hết thế mạnh và năng lực cạnh tranh nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn so với một số nước trong khu vực.

Đông Nam Á được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm, và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ lên mức hai chữ số. Trong đó, nếu như Singapore được biết đến là trung tâm công nghệ sinh học và dược phẩm hàng đầu nhờ vào chiến lược đặt trọng tâm vào nghiên cứu từ rất sớm và bền vững, thì Malaysia gần đây đã nổi lên như một điểm đến đầy triển vọng cho các thử nghiệm lâm sàng. Indonesia cũng được xem là trung tâm chuyển giao công nghệ thuốc quan trọng.

“Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng cạnh tranh, nơi nhiều quốc gia có kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế vững chắc đang nỗ lực trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần phải xác định rõ các khâu cụ thể của vòng đời sản phẩm, đặc biệt là các khâu có giá trị gia tăng cao, mong muốn thu hút đầu tư. Ví dụ, lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng, cụ thể là các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và giai đoạn 2. Đây là một giai đoạn quan trọng của quy trình nghiên cứu và phát triển được phân bổ hơn 50% ngân sách đầu tư mà Việt Nam cũng có thể cân nhắc xác định lĩnh vực trọng tâm. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần đơn giản hóa các quy định, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, thiết bị y tế phục vụ cho các thử nghiệm lâm sàng, bao gồm cả thuốc đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam”, ông Darrell Oh chia sẻ.

2024 là một năm then chốt với việc rà soát, sửa đổi các luật và quy định quan trọng định hình hoạt động của y ngành dược Việt Nam trong một thập kỷ tới đây, góp phần thúc đẩy đầu tư hệ thống y tế bền vững và kiến tạo một hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược dự kiến sẽ được thông qua trong năm 2024 kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những rào cản, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, cho đổi mới sáng tạo ngành y tế Việt Nam trong tương lai.

Theo Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia có thể tiên phong trong đổi mới thông qua nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các loại thuốc mới và công nghệ mới.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là, trong lĩnh vực y tế, một số đột phá y học đổi mới phức tạp nhất diễn ra trong khu vực công, vì đây là nơi các hoạt động y tế phức tạp nhất thường được thực hiện. Hơn nữa, đổi mới không phải lúc nào cũng là công nghệ cao, mà có thể là những cách làm thông minh hơn để tạo ra tác động lớn hơn. Một ví dụ là các chiến lược tiếp cận đổi mới sáng tạo giúp tăng số lượng người được tiếp cận tầm soát sức khỏe và điều trị bệnh.

“Để khai thác thành công sự đổi mới, cần phải có khả năng quản trị mạnh mẽ, bao gồm các cơ chế pháp lý, ở cả khu vực công và tư nhân nhằm hướng dẫn đổi mới và phát triển trong lĩnh vực y tế, và cuối cùng là bảo vệ sức khỏe của người dân. Các cơ chế này nhằm thiết lập các công cụ, chuẩn mực và tiêu chuẩn cần thiết, đồng thời yêu cầu cả khu vực công và tư nhân đều phải tuân thủ chúng”, Tiến sĩ Angela Pratt chia sẻ.

Bích Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bao-dau-tu-to-chuc-hoi-thao-doi-moi-sang-tao-nganh-y-duoc-vao-ngay-259-d225679.html