Báo động di tích xuống cấp, bị xâm hại
Bị xâm hại, xuống cấp trầm trọng, một số di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố và cấp quốc gia tại TPHCM có nguy cơ bị xóa sổ.
Ngôi đình hơn trăm tuổi chờ… sập
Cách nay 3 năm, trong bài viết “Đình Tân Túc chờ… sập” đăng trên Báo SGGP, chúng tôi đã phản ánh về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đình Tân Túc (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) - Di tích văn hóa lịch sử cấp thành phố, có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào.
Thế nhưng, từ đó đến nay, ngôi đình hơn 100 năm tuổi này chỉ duy nhất một lần được gia cố, chống đỡ bức tường ngang phía trước để không bị sập. Hiện toàn bộ hạng mục, cấu trúc cột kèo, rui, mè, tường ngăn, mái ngói… đã hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Ông Huỳnh Văn Hà, Trưởng Ban Quản lý đình Tân Túc, dẫn chúng tôi tham quan một vòng ngôi đình, xót xa nói: “Dãy cột mặt sau đình cũng được chống đỡ tạm để giữ mái ngói. Mưa dột dữ lắm, không sao che chắn cho khỏi mục nát mấy hàng rui kèo mái phía trên. Vừa rồi huyện có hỗ trợ 100 triệu đồng để dặm vá mấy chỗ nứt gãy, thay ngói một vài chỗ. Còn nền vẫn như cũ, thấp hơn phía mặt đường Nguyễn Hữu Trí gần 1m, cứ mưa xuống là ngập lên tới sát mí tường trên kia. Phía mặt tiền thì khỏi nói rồi, mỗi lần mưa hay triều cường sông Chợ Đệm dâng lên là ngập lênh láng”.
Chỉ cho chúng tôi xem mặt trong hàng cột và bức tường gian ngoài chánh điện, ông Hà cho biết mấy tháng trước, Phòng VH-TT huyện Bình Chánh xuống khảo sát và hỏi: “Có đồng ý 1 năm nữa sửa chữa không?”. Ông Hà quả quyết không thể trụ vững được tới 1 tháng nữa. Trước thực trạng đó, huyện Bình Chánh khẩn cấp cho dựng 2 cột chỏi nâng phía trên mái đình để giảm chịu lực cho bên dưới. Phía mặt ngoài bức tường được dựng hàng cột sắt chịu đỡ để không bị đổ sập về phía trước.
“Giờ chỉ mong mỏi các ngành chức năng quan tâm, sửa chữa sớm chứ không là bị kéo sập toàn bộ hàng cột, tường, mái đình”, ông Hà bày tỏ.
Chỉ tay về phía bờ kè bên ngoài tiếp giáp với sông Chợ Đệm, ông Hà nói: “Cũng lún sụp đến nơi rồi. Mấy năm trước nhờ có kinh phí của người dân đóng góp đã dựng được bờ kè cao lên để ngăn nước sông tràn vào. Mấy năm qua do triều cường, tàu ghe qua lại nên đang có nguy cơ kéo sập luôn dãy tường mặt trước ngôi đình”.
Xót xa di tích Lò gốm Hưng Lợi
“Không còn dùng từ gì nữa để diễn tả, một di tích lịch sử cấp quốc gia đây sao?”, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình đã thốt lên khi cùng đoàn giám sát đi thực tế tại Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, phường 16 (quận 8). Cùng đi với đoàn giám sát, TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM, người trực tiếp nghiên cứu, khai quật và làm hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi hơn 24 năm trước, đã không còn nhận ra cảnh quan, hiện trạng của di tích.
Theo hồ sơ công nhận, khu di tích Lò gốm Hưng Lợi có diện tích hơn 50.000m2, được chia thành 3 khu vực. Trong đó, khu vực lõi bảo vệ nghiêm ngặt là 836m2, bao quanh bởi khu vực 2 với khoảng 10.000m2. Thế nhưng, hiện tại hai khu vực này đã bị đào bới, san lấp, trồng cây xanh và có hơn 100 căn nhà mọc lên.
TS Nguyễn Thị Hậu cho biết: “Đây là di tích thuộc về làng nghề nổi tiếng của Sài Gòn, Nam bộ. Đó là xóm lò gốm của Sài Gòn xưa và là di tích duy nhất còn lại. Lúc chúng tôi khai quật, bên kia kênh Ruột Ngựa còn một làng bếp lò gốm làm bằng tay. Do quá trình đô thị hóa, đến nay làng nghề này không còn nữa. Phải nói đây là di tích rất quý, được Sở VH-TT TPHCM và các nhà khoa học đánh giá rất cao, cho phép làm hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia trong dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM”.
Trong một báo cáo của UBND quận 8 về thực trạng Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi có nhận định: “Di tích này qua thời gian không ngừng bị xuống cấp và lấn chiếm, trở thành phế tích. Di tích Lò gốm Hưng Lợi nằm trong khu dân cư đang phát triển đô thị hóa, có nhiều hộ dân sinh sống. Phần mái che vị trí khai quật trước đây đã sập hoàn toàn, nền di tích không có hệ thống thoát nước và di tích nằm gần kênh rạch, do đó thường hay ngập úng. Cây cỏ mọc bao phủ bên trên lò gốm. Năm 2017, một phần di tích khu vực bảo vệ 1 bị ủi, san lấp, xâm hại có diện tích khoảng 200m2, phần cao của đỉnh lò bị san bằng, một mảng tường của lò bị sập. Năm 2019, di tích tiếp tục bị xâm hại, toàn bộ phần cổng di tích tiếp tục bị đập phá, san ủi… UBND quận 8 đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp rào chắn, cắm bảng nghiêm cấm xâm phạm di tích, làm rõ diện tích 836m2 là đất công…”.
Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình, cần làm rõ trong 24 năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích được thực hiện ra sao; vì sao 24 năm qua vẫn chưa thành lập được ban quản lý di tích và lập dự án để trùng tu, bảo tồn di tích cấp quốc gia này?
“Bây giờ đã muộn rồi nhưng phải làm. Việc tái tạo, trùng tu lại không còn giá trị như ban đầu, nhưng việc đó chúng ta phải làm, hy vọng có thể phục dựng được phần nào di tích lịch sử cấp quốc gia này. Thực tế, di tích chỉ còn đất chứ không còn gì nữa”, ông Cao Thanh Bình xót xa nói.
TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, nêu vấn đề: “Về trách nhiệm của các sở, ngành, đặc biệt là của Sở VH-TT, cần làm rõ trách nhiệm đã tham mưu vấn đề này cho lãnh đạo thành phố ở mức độ nào? Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, được chi phối bởi các quy định pháp luật rất rõ ràng. Luật nói rõ là vùng bất khả xâm phạm, nhưng thực tế là bị xâm phạm rất nhiều. Chính quyền địa phương cần làm rõ vấn đề này, bởi quy hoạch 1/2000 đã có rồi sao vẫn không quản lý nổi? Qua khảo sát thực tế cho thấy tình trạng nhà cửa mọc lên rất nhiều, tới gần 200 căn. Ai là người cấp phép xây dựng cho những căn nhà đó?”.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//bao-dong-di-tich-xuong-cap-bi-xam-hai-842450.html