'Báo động đỏ' nghề khai thác thủy sản? (bài 2)

Một thực tế nghiệt ngã, ngư dân đi vay vốn ngân hàng đóng tàu xa bờ, nhưng làm ăn thua lỗ. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm thân tàu cho ngư dân. Tàu không có bảo hiểm, Chủ tịch UBND tỉnh ra lệnh cấm không cho tàu ra khơi, tàu cá nằm 'đắp chiếu' thì ngư dân biết lấy gì để trả nợ? Phía sau chiếc tàu xa bờ có hai 'chủ nợ': Đó là Chủ tàu và ngân hàng cho vay vốn, đang kêu trời với các công ty bảo hiểm.

Chủ tàu, đồng thời là thuyền trưởng Nguyễn Viết Hằng, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, kể về câu chuyện tàu nằm bờ vì không có bảo hiểm. Ảnh: Hải Luận

Chủ tàu, đồng thời là thuyền trưởng Nguyễn Viết Hằng, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, kể về câu chuyện tàu nằm bờ vì không có bảo hiểm. Ảnh: Hải Luận

Bài 2: Bảo hiểm “khóa chặt” chân vịt tàu cá

Thực tế nghiệt ngã

“Tôi vay ngân hàng 18 tỉ đồng đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Suốt 2 năm nay, công ty bảo hiểm không bán bảo hiểm thân tàu, máy tàu. “Lệnh” Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cấm tàu không có bảo hiểm ra khơi. Tiền gốc, tiền lãi ngân hàng phải trả, tiền chi trả bến bãi, tiền vận hành tàu,... đều phải chi. Tôi gọi Ngân hàng BDIV trả lại tàu, họ không chịu nhận” – Chủ tàu, đồng thời là thuyền trưởng Nguyễn Viết Hằng, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, bức xúc chuyện tàu cá xa bờ không được bán bảo hiểm.

Gia đình ông Hằng có 3 chiếc tàu đánh cá xa bờ, trong đó, có 2 chiếc tàu gỗ đóng bằng vốn tự có. Cả 3 chiếc tàu đều làm nghề lưới vây khơi, loại nghề này ở Bình Định họ hiệp đồng tác chiến sản xuất ngoài biển. “Hai chiếc tàu gỗ thay nhau ở lại trên biển từ 2 - 4 tháng làm “cò” dẫn dụ đàn cá quy tụ về ở dưới bóng tàu, còn chiếc tàu sắt dài 25m, công suất máy gần 900CV, chủ công đánh lưới và chở cá vào bờ bán. Tàu sắt không có bảo hiểm nên đành nằm bờ, hai chiếc tàu gỗ làm lúc trồi, lúc sụt, chẳng ăn thua gì” – Ông Hằng nói về câu chuyện thực tế làm ăn trên biển của mình.

Chiếc tàu vỏ thép của ông Hằng đã đến hạn sửa chữa, nhưng ông không có 450 triệu đồng để sửa. Loại tàu này, chỉ cần trễ hạn 1 năm không đưa lên xưởng sửa chữa, nước biển ăn mòn rất nhanh. Cơ quan chức năng không làm đăng kiểm cho tàu cá, coi như đủ các lý do để “cấm biển”.

Tìm hiểu mọi ngọn nguồn ở huyện Phù Cát, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, chủ tàu nào cũng than, cũng kêu vì không mua được bảo hiểm thân tàu. Chủ tàu, đồng thời là thuyền trưởng Đinh Công Khánh, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, chia sẻ sự thật: “Suốt thời gian dài tàu tôi phải nằm bờ để kiện cáo với công ty đóng tàu. Bây giờ, tàu xuống biển chạy được, thì gặp công ty bảo hiểm không bán bảo hiểm thân tàu, máy tàu. Họ làm kiểu này, chẳng khác nào “khóa chặt” chân vịt tàu cá tại bờ. Mấy chiếc tàu sắt đóng theo Nghị định 67 đang “ôm nhau” nằm bờ cả loạt”.

Cả ngân hàng và chủ tàu trông chờ bảo hiểm

Mỗi con tàu 67 đều gắn liền với “hai chủ nợ” là ngân hàng và chủ tàu, nhiều chủ tàu họ cầm cố tài sản tại ngân hàng để vay thương mại đóng tàu, sửa chữa nâng cấp tàu, mua dầu đi biển... Một số tỉnh còn từ chối bán bảo hiểm cho tất cả các loại tàu cá, có tỉnh chỉ bán cầm chừng chiếu lệ. Vì cuộc sống mưu sinh, vì cố gắng làm để trả nợ, nhiều ngư dân “liều mạng” đi biển khi tàu không có bảo hiểm, nếu có sự cố xảy ra trên biển, coi như mất trắng.

Tàu vỏ thép không mua được bảo hiểm thân tàu, buộc phải nằm bờ tại cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Hải Luận

Tàu vỏ thép không mua được bảo hiểm thân tàu, buộc phải nằm bờ tại cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Hải Luận

Tham gia bán bảo hiểm cho tàu đánh cá có 4 công ty bảo hiểm: Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO (Tập đoàn Xăng dầu), PVI (Tập đoàn dầu khí). Mỗi tỉnh và mỗi công ty bảo hiểm có những “chiêu” khác nhau để từ chối bán bảo hiểm cho tàu đánh cá xa bờ. “Nếu mua được bảo hiểm, thuyền viên tàu đánh cá có công suất máy từ 90 CV trở lên, được Nhà nước hỗ trợ 100% phí đóng bảo hiểm, hỗ trợ 50% phí đóng bảo hiểm thân tàu. Ngư dân mua bảo hiểm mỗi tháng chỉ lác đác vài người, công ty bảo hiểm phải “đi vòng” qua nhiều cơ quan làm thủ tục, mới lấy được tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dân, rất mất công.

Gần đây, tàu đánh cá bị tai nạn nhiều, tổng công ty cúp thưởng các nhân viên bán bảo hiểm. Vì lẽ đó, một số công ty hay tìm mọi cách để từ chối bán bảo hiểm cho tàu cá. Đa phần công ty của chúng tôi giới thiệu cho khách hàng qua Công ty Bảo Việt, bên đó còn “chịu khó” bán bảo hiểm cho ngư dân”- Giám đốc một công ty bảo hiểm ở tỉnh Khánh Hòa tiết lộ.

Tàu cá đủ giấy tờ hợp lệ sẽ được bán bảo hiểm

“Căn cứ vào quy định của Nghị định 17/2018/NĐ-CP các tàu đánh cá xa bờ có đầy đủ các loại giấy tờ hợp lệ, các công ty có trách nhiệm bán bảo hiểm thuyền viên và thân tàu cho ngư dân. Năm 2020, Công ty Bảo Việt Khánh Hòa đã bán bảo biểm cho trên 300 tàu đánh cá xa bờ, không phân biệt tàu đó đóng theo nguồn vốn nào” - Ông Lý Quốc Hưng, Phó Giám đốc Công ty bảo hiểm Bảo Việt Khánh Hòa thông tin.

Bài 3: “Khốn đốn” nghề câu cá ngừ?

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-dong-do-nghe-khai-thac-thuy-san-bai-2-post439157.html