'Báo động đỏ' nghề khai thác thủy sản (bài 5)
'Cuối năm 2019, tôi lấy sổ ghi chép các khoản thu chi của 3 chiếc tàu khai thác, tính toán lời lỗ như thế nào, thì phát hiện những tháng cá sinh sản là làm thua lỗ. Do đó, năm 2020, tôi cho tàu nghỉ biển vào mấy tháng cá sinh sản, chỉ tập trung làm mạnh 5 tháng thôi, tính toán tổng thể thấy hiệu quả hơn hẳn năm 2019'- Chủ tàu, đồng thời là thuyền trưởng Lê Văn Quyền, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.
Bài 5: Cần cho biển “nghỉ” để tái tạo nguồn lợi
Bảo vệ “ao nuôi” của ngư dân
Chúng tôi đưa vấn đề cho “biển nghỉ” từ 3 - 5 tháng liên tục vào mùa cá, tôm sinh sản, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản với ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định. Ông Phúc cho rằng: “Hiện nay, pháp luật chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể nào về việc cho “biển nghỉ” thời gian ngắn trong năm. Muốn làm được điều đó, các viện nghiên cứu cần có các đề tài nghiên cứu khoa học, thì cơ quan chức năng mới có kết luận và đưa ra giải pháp cụ thể”.
Nhà nước ta đã ban hành đầy đủ luật và văn bản dưới luật quy định rất rõ ràng, rất chi tiết về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của biển. “Điều cấp thiết nhất hiện nay là thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, mới mong biển tái tạo lại, sản lượng khai thác tăng cao, nghề đánh bắt xa bờ mới bền vững. Nhà nước nên ra lệnh “cấm biển” đối với ngư dân từ 3 – 5 tháng liên tục vào mùa sinh sản của cá, tập trung vùng ven bờ, là nơi sinh sản và cung cấp nguồn lợi cho vùng khơi” - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Lương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) nêu vấn đề.
- Nhà nước ra lệnh “cấm biển” một thời gian trong năm rất dễ, nhưng cái khó là đụng đến “nồi cơm” của nhiều ngư dân - Tôi tranh luận lại vấn đề nhạy cảm.
- Trước đây, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang là trung tâm đào tạo khai thác biển có hạng ở khu vực Đông Nam Á, hiện nay “co lại” chỉ còn Viện nghiên cứu và đào tạo nguồn lực khai thác biển, thuộc Trường Đại học Nha Trang. Chúng tôi đã có những công trình nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản, nên việc ra lệnh “cấm biển” để cho “biển nghỉ” là rất cần thiết. Vấn đề nằm ở chỗ, các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trên biển “ngại” đụng đến số tàu thuyền nhỏ ven bờ, số tàu đang làm nghề cấm, cho rằng không nỡ “cắt” đường kiếm cơm của họ. Lúc này phải cương quyết bảo vệ và tái tạo nguồn lợi, nó giống như đang bảo vệ cái “ao nuôi” của ngư dân. Một thực trạng của ngư dân ta hiện nay là: Dù lãi ít, hòa vốn hoặc lỗ nặng... nhưng ngày nào cũng cho tàu đi biển. Tại sao chúng ta không đưa ra giải pháp: Ngư dân chỉ tập trung đánh bắt 6 tháng, đủ tiền ăn cả năm, như các nước xung quanh ta đã làm- Tiến sĩ Nguyễn Trọng Lương nói.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, thông tin thêm: “Những năm 1960, nhà nước ta đã có những quy định cấm khai thác thủy sản ở những nơi “hiểm yếu” nhất, là chỗ cá thường đến sinh sản. Hiện nay, “lý luận” của các nhà khoa học và nhà quản lý đang có độ vênh nhau khá lớn. Tôi chỉ đưa ra dẫn chứng cụ thể, đất nước Campuchia còn khó khăn hơn nước ta, từ lâu họ đã đưa chính sách cấm khai thác thủy sản trong thời gian cá sinh sản. Lệnh cấm này có hiệu lực cả trên biển lẫn ở đất liền, nếu ai vi phạm, nhà chức trách bị phạt rất nặng”.
Phối hợp bảo vệ “đàn cá quốc tế”
Thông tin về ngư trường thủy sản là một vấn đề rất cơ bản và cốt lõi cho ngành khai thác của nước ta. Ví dụ, dòng hải lưu chảy như thế nào? Các đàn cá di chuyển từ đâu đến? Sinh trưởng ở vùng nào? Nghề lưới vây khơi, câu cá ngừ đại dương, mành chụp,.... đánh bắt vào thời vụ nào đạt sản lượng cao? Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần đưa ra được thông tin chính xác giúp ngư dân định hướng khai thác tốt nhất. “Đất nước ta có vùng biển dài và rộng, nhưng lại không có tàu ra ngoài biển nghiên cứu, điều tra nguồn lợi thủy sản. Mọi thông tin về trữ lượng hải sản, định hướng cho vùng đánh bắt,.. toàn đoán mò” - Thạc sĩ Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam (ông Lăng nguyên là giảng viên Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Khánh Hòa) thẳng thắn nêu thông tin.
- Lâu nay, ngành thủy sản vẫn công bố về trữ lượng hải sản ở các ngư trường, họ dựa vào thông tin từ đâu để công bố? - Tôi thắc mắc.
- Toàn những thông tin cũ, hoặc thông tin của một số nước xung quanh. Vùng biển nước mình dòng hải lưu, nhiệt độ, chuỗi thức ăn,... khác hoàn toàn với các nước, lượng hải sản ở dưới biển nó cũng khác.
- Sao ông biết được những điều đó?
- Cả Viện nghiên cứu Hải sản đóng tại thành phố Hải Phòng, Viện Hải dương học Nha Trang, là những viện đầu ngành của đất nước về hải sản và đại dương, mà không có chiếc tàu nghiên cứu. Lấy cái gì để đưa các nhà khoa học ra ngoài biển nghiên cứu? Muốn biết được rõ ngọn ngành đàn cá di cư, phải bám theo đuôi nó.
- Theo ông, cần giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Nhà nước nên trang bị tàu nghiên cứu hải dương, hải sản cho viện nghiên cứu, đi theo đó cấp nguồn kinh phí để cho tàu hoạt động thường xuyên trên biển. Có như vậy, các nhà khoa học mới đưa ra được các dữ liệu và căn cứ khoa học “của riêng” Việt Nam, ngư dân mới tin và làm theo.
Vùng biển nước ta giao thoa từ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cùng khai thác các dòng cá di cư. Ví dụ, cá ngừ di cư từ Nhật Bản, xuống Đài Loan (Trung Quốc) vào Biển Đông qua lại Philippine, Malaysia,... “Khi tôi còn làm Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, đã có những chương trình hợp tác quốc tế về hải dương với các nước trong khu vực. Chính phủ các nước trong khu vực nên ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu về hải sản, khu bảo tổn biển xuyên quốc gia. Từ đó, chúng ta sẽ biết tương đối chính xác các đàn cá di cư, khoanh vùng biển và định hướng cho ngư dân đánh bắt vào thời điểm nào hợp lý. Một đàn cá đang đi đến khu bảo tồn biển sinh sản, nhưng mạnh nước nào nước đó đánh bắt, thì tan hoang đàn cá, còn đâu mà có trữ lượng lớn được?” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An nêu đề xuất.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-dong-do-nghe-khai-thac-thuy-san-bai-5-post439798.html