'Báo động đỏ' nghề khai thác thủy sản?
'Biển đói', 'biển cạn kiệt' là cụm từ ngư dân sử dụng nhiều nhất trong những năm gần đây. Mặc dù thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, tiền dầu, phí bảo hiểm thân tàu,... giúp ngư dân đủ sức vươn ra khơi xa đánh bắt phát triển kinh tế, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhưng qua thực tiễn cho thấy, nhiều tàu đánh bắt xa bờ đã lâm vào cảnh nợ nần, do làm ăn thua lỗ nặng nề.
Bài 1: Tàu 67 “mắc cạn” ở tòa án
Chủ trương của Nhà nước ta hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu 67 (theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ) để vươn xa đánh bắt thủy sản là rất đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai ở thực tiễn đã xảy ra nhiều vấn đề phát sinh, nguyên nhân sâu xa là, tàu cá đang gặp “biển đói”, chủ tàu trở thành “con nợ”, bị ngân hàng khởi kiện ra tòa án để đòi nợ, những con tàu như đang bị “mắc cạn” ở tòa án.
“Tàu vỏ thép tôi mới đi biển về hôm qua, bị thua lỗ 35 triệu đồng. Tàu đã đến hạn lên làm nước rồi sửa chữa, đẩy lên xưởng phải tốn 400-500 triệu đồng. Hôm vừa rồi, Tòa án thành phố Quy Nhơn gọi tôi vào “xử trơn” (hòa giải), vì Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh tỉnh Bình Định (BIDV) khởi kiện tôi ra tòa án đòi lại tàu. Tôi không dám vay “tiền nóng” bên ngoài để sửa chữa tàu, sợ họ thu tàu, mình lại gánh thêm nợ” - Chủ tàu Nguyễn Văn Lý, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, mở đầu cuộc trò chuyện với tôi không mấy vui vẻ.
Trắng tay vì “biển đói”
Ông Lý đã trải qua gần 40 năm làm chủ tàu và thuyền trưởng tàu đánh cá, chinh phục khắp vùng biển Việt Nam, nay ông phải rơm rớm nước mắt: “Hôm cán bộ tòa án hỏi tôi: “Tại sao tàu bị thua lỗ mãi mà vẫn đi biển?”. Tôi trả lời: “Cả cuộc đời tôi làm biển, nếu không cho tàu ra biển thì lấy gì ăn, lấy gì trả nợ ngân hàng, ai bảo vệ chủ quyền biển, đảo? Tôi phải bán đi một chiếc tàu gỗ hơn 1 tỉ đồng để đập vô “cứu” chiếc tàu 67, vì làm ăn thua lỗ, vì chuyển đổi nghề. Nếu tòa án kiên quyết xử để lấy tàu tôi, tôi trả lại tàu cho ngân hàng ngay từ bây giờ. “Ôm” nó mấy năm nay, gia đình tôi phải chịu đựng bao nhiêu phiền toái, sạt nghiệp luôn rồi”.
Tháng 8-2015, ông Lý ký hợp đồng vay 13,6 tỉ đồng của Ngân hàng BIDV chi nhánh tỉnh Bình Định để đóng mới chiếc tàu cá vỏ thép tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương, tỉnh Nam Định. Hơn 1 năm chiếc tàu mới đóng xong và chạy về Bình Định.
“Ngày đầu tiên ra khơi trên chiếc tàu vỏ thép, với nghề lưới vây khơi, lòng tôi vui mừng khôn xiết. Nhưng thả phát lưới đầu tiên, chân vịt tàu quấn lưới, “vạn sự khởi đầu nan” đã bị lỗ cả trăm triệu tiền tổn. Chuyến thứ 2 cũng giống chuyến trước. Sau 3 chuyến đi biển, chân vịt tàu đã “ăn” mất 2/3 giàn lưới vây. Thiết kế tàu theo kiểu chạy đường sông, không phù hợp với nghề lưới vây. Tôi bắt đầu phát hiện ra lỗi kỹ thuật đóng tàu có nhiều vấn đề về chất lượng thép cũng như thiết bị trên tàu, tôi cho tàu nghỉ làm 3 năm. Tàu nằm trên đà sửa chữa, nhưng ngân hàng thì vẫn tính lãi. Thời điểm đó, tôi nói trả lại tàu cho ngân hàng, các ngành trong tỉnh tới động viên tôi cố gắng cầm cự để đi biển. Đến ngày hôm nay, số tiền nợ đã lên 16,4 tỉ đồng, nguy cơ trắng tay đang treo lơ lửng” - Ông Lý thông tin thêm.
Nhiều chủ tàu vỏ thép ở Bình Định cũng đang cùng chung số phận giống tàu của ông Lý, như ông Đinh Công Khánh, Nguyễn Hữu Thủy... (huyện Phù Cát); Trần Minh Sú, Trần Đình Sơn, Võ Tuân... (huyện Phù Mỹ). Trước khi đóng tàu 67, họ đều sở hữu tàu lớn “có của ăn của để”, sau một thời gian, đa phần họ phải bán tàu gỗ để “cứu” tàu 67.
Ông Lý kể chuyện ông bạn đồng nghiệp ở gần nhà: “Tàu 67 của ông Sú làm ăn thua lỗ, phải chạy vạy vay mượn tiền bạn bè để “tiếp sức” cho chuyến biển khác. Con trai ông Sú ở Sài Gòn phải gửi ra vài trăm triệu đồng để hỗ trợ cha, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Ông mang sổ đỏ ngôi nhà duy nhất thế chấp cho ngân hàng, vay thêm tiền để chuyển đổi sang nghề mành chụp. Bây giờ, ngân hàng khởi kiện ra tòa án đòi lại tàu, coi như trắng tay không còn thứ gì, ông Sú buồn nản đành bỏ nhà đi làm ăn xa”.
Chủ tàu phải trốn nợ “xã hội đen”
Chúng tôi đến cảng Quy Nhơn, thấy chiếc tàu cá vỏ thép đang nằm sát bờ, bên ngoài có nhiều tàu vỏ gỗ neo đậu kín xung quanh. Tìm hiểu mới biết, đó là tàu 67 của ông Trần Văn Hạo, thành phố Quy Nhơn, làm nghề lưới vây. Những năm đầu đi biển liên tục, bị thua lỗ, ông Hạo phải vay nóng bên ngoài. “Tàu vỏ thép phí tổn mỗi chuyến biển rất nặng, từ 200 - 250 triệu đồng. Chỉ cần đi 2 chuyến biển bị thua lỗ đã thành con nợ, ông Hạo lỗ triền miên, vẫn cứ “nuôi” hy vọng sẽ làm trúng, cứ lao vào vay mượn. Hết đường trả, “xã hội đen” tìm đến nhà “tính sổ”, hai năm nay ông dẫn vợ con bỏ đi biệt xứ đâu rồi. Chiếc tàu hôm trước để ngoài cửa cảng, ngân hàng phải xuống thuê tàu kéo vào phía trong và thuê người trông coi” - Một chủ tàu 67 ở phường Đống Đa, biết rõ mọi chuyện kể lại với tôi.
Trường hợp ông Bùi Mông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, vay gần 10,7 tỉ đồng của Ngân hàng BIDV tỉnh Khánh Hòa, đóng tàu 67, làm nghề lưới vây khơi. Sau nhiều lần đi biển bị thua lỗ, ông Mông trở thành nợ xấu, Ngân hàng BIDV tỉnh Khánh Hòa khởi kiện ra tòa án nhân dân thành phố Cam Ranh.
“Sau 2 lần tòa xử vắng mặt tôi, tòa quyết định thu hồi tàu trả cho ngân hàng. Tôi còn nợ bên ngoài trên 700 triệu đồng. Vợ thì bị bệnh ung thư, đang còn ở nhà thuê, tôi phải bỏ xứ đi làm bốc vác trong Sài Gòn, hái cà phê ở Tây Nguyên” - Ông Bùi Mông ngậm ngùi chia sẻ. Chi cục thi hành án dân sự thành phố Cam Ranh ra quyết định buộc ông Mông trả 119 triệu đồng án phí sơ thẩm. “Trước đây, tôi có 2 chiếc tàu đánh cá xa bờ, hơn 30 năm chinh chiến khắp vùng Biển Đông, bây giờ trắng tay, bỏ đi làm thuê kiếm từng đồng lo gạo cho vợ con. Nợ bên ngoài chưa trả xong, nay thêm nợ của tòa án nữa. Cứ nghĩ tới là tôi ứa nước mắt” - Ông Bùi Mông tâm sự về hoàn cảnh khó khăn của mình.
Tại Khánh Hòa, đã có 2 ngân hàng khởi kiện 9 chủ tàu vay tiền đóng tàu 67, đang làm thủ tục để khởi kiện tiếp 6 chủ tàu khác. Tỉnh Bình Định đã khởi kiện 15 chủ tàu. Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết, các ngân hàng chuẩn bị làm thủ tục khởi kiện 6 chủ tàu. Thật trớ trêu, tại tỉnh Phú Yên người dân vay tiền ngân hàng đóng tàu 67 trị giá 17 tỉ đồng, bị thua lỗ, ngân hàng thu tàu về bán lại chỉ có 1,6 tỉ đồng.
Có mấy nguyên nhân dẫn đến nhiều tàu đánh cá 67 bị “lâm nợ”: Thứ nhất, tàu đi biển thường xuyên gặp “biển đói”. Thứ hai, ngư dân thiếu nguồn vốn lưu động, đi biển lần thứ nhất, thứ hai... bị thua lỗ, không đủ tiền mua dầu, lương thực, thực phẩm đi biển tiếp. Thứ ba, các công ty bảo hiểm không mặn mà bán bảo hiểm thân tàu cho tàu 67 (chúng tôi sẽ đề cập sâu hơn ở bài sau).
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-dong-do-nghe-khai-thac-thuy-san-post438930.html