Báo động hiện tượng 'cận thị cách ly'
Việc thường xuyên tập trung vào các vật thể ở gần và thiếu ánh sáng ban ngày có tác động xấu đến thị lực.
Các nghiên cứu chỉ ra, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và thực hiện cách ly xã hội, số người bị cận thị tăng lên đáng kể, đặc biệt học sinh phổ thông là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Cận thị phát triển trong thời thơ ấu
Ít vận động và thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử rất có hại đối với trẻ em và thị lực của chúng. Theo kết quả các nghiên cứu gần đây của Hà Lan và Trung Quốc, bệnh cận thị gia tăng đột ngột trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là ở trẻ em. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là “cận thị cách ly”.
Ví dụ, ở Trung Quốc, số liệu khảo sát hơn 120 nghìn HS phổ thông ở độ tuổi từ 6 - 13 cho thấy, trong “năm Covid” số lượng trẻ em bị cận thị tăng đột biến. Đặc biệt là ở trẻ em từ 6 - 8 tuổi, bệnh cận thị tăng gấp 3 lần so với những năm trước. Ở nhóm tuổi này, thị lực suy giảm gần 0,3 diop.
Bệnh cận thị sẽ tồn tại suốt đời. Nó thường bắt đầu phát triển ở tuổi tiểu học và càng ngày càng thêm nặng. Quá trình này bắt đầu càng sớm, thị lực của bạn sẽ càng kém đi. Cận thị nặng làm tăng nguy cơ bong võng mạc, đục thủy tinh thể do tăng nhãn áp và thậm chí bị mù lúc về già.
Học vấn càng cao thị lực càng kém
Theo dự báo của Viện Thị giác Brian Holden (Hà Lan), vào giữa thế kỷ XXI, sẽ có khoảng 5 tỷ người, tương đương một nửa dân số thế giới, bị cận thị. Trước hết, ở các nước công nghiệp phát triển, số người bị cận thị tăng nhanh trong những thập kỷ gần đây. Điều này liên quan tới lối sống thay đổi.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc gia tăng cơ hội học tập và sự suy giảm thị lực: Trình độ học vấn càng cao, nguy cơ cận thị càng lớn. Giáo sư Nicole Eter, Giám đốc Bệnh viện Nhãn khoa tại Đại học Münster (Đức) nhấn mạnh: “Điều này chủ yếu là do con người ngày càng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng từ rất sớm và quá nhiều, đồng thời ít tiếp xúc với thiên nhiên”.
Ở châu Á, số trẻ em và thanh thiếu niên bị cận thị cao hơn mức trung bình. Ví dụ, sau Thế chiến II, có khoảng 20 - 30% thanh niên 20 tuổi ở Hồng Kông, Hàn Quốc bị cận thị. Hiện nay, tỷ lệ đó chiếm hơn 80%. Ở Trung Quốc, cứ 5 thiếu niên thì có 4 em bị cận thị. Ở một số nước châu Á, con số này lên tới 95%. Ở châu Âu, có khoảng một nửa số người trẻ tuổi bị cận thị.
Có thể giảm nguy cơ cận thị?
Có thể giảm nguy cơ cận thị bằng cách không nhìn quá lâu vào một vật ở gần, cho dù đó là điện thoại thông minh hay một cuốn sách thú vị. Điều quan trọng là phải giữ đúng khoảng cách và đưa mắt ra tứ phía, nhìn vào khoảng xa.
Ở ngoài trời lâu cũng có ích, vì ánh sáng ban ngày cản trở sự phát triển của nhãn cầu. Trong nhà, cường độ ánh sáng trung bình từ 300 - 500 lux (độ rọi ánh sáng - Lx), còn ngoài trời vào ngày hè chói chang - khoảng 100.000 lux. Các công trình nghiên cứu được tiến hành ở khu vực Scandinavia (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển) cho thấy trong bóng tối bệnh cận thị phát triển nhanh hơn.
Ánh sáng xanh nguy hại
Liên tục nhìn vào màn hình có thể gây mệt mỏi và khô mắt, trước hết ở trẻ em. Theo các nhà khoa học, việc sử dụng quá mức các thiết bị điện tử không những gây ra cận thị mà còn ảnh hưởng đến tri giác không gian. Điều này có thể dẫn đến mờ mắt hoặc thậm chí lác mắt.
Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại thông minh vào buổi tối có thể gây rối loạn giấc ngủ. Giáo sư Nicole Ether giải thích: “Cường độ ánh sáng xanh trên màn hình cao sẽ cản trở việc giải phóng hormone melatonin gây buồn ngủ”. Nhiều thiết bị điện tử đã có chế độ ban đêm, giúp giảm phát xạ ánh sáng xanh. Tuy nhiên, theo Giáo sư Nicole Ether, để có giấc ngủ ngon và yên tĩnh, bạn nên ngừng sử dụng thiết bị điện tử khoảng hai giờ trước khi lên gường.
Lời khuyên của các chuyên gia
Thị lực của con người đang ngày càng suy giảm khiến các chuyên gia phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Đôi mắt của chúng ta đơn giản là không thích nghi với thực tế mới. Giáo sư Bettina Wabbels tại Bệnh viện Nhãn khoa của Đại học Bonn (Đức) khuyên các bậc cha mẹ nên hạn chế nghiêm ngặt thời gian con mình ngồi trước màn hình.
“Theo quan điểm của các bác sĩ nhãn khoa, máy tính, điện thoại thông minh hay máy tính bảng đều chống chỉ định đối với trẻ em dưới 3 tuổi”, Giáo sư nói. Bà đề nghị các bậc cha mẹ nên giới hạn trẻ từ 4 - 6 tuổi sử dụng thiết bị điện tử hàng ngày trong 30 phút. Ở lứa tuổi tiểu học, thời gian cho phép tối đa là 1 giờ/ngày, còn trẻ em 10 tuổi, tối đa là 2 giờ/ngày.
Lời khuyên này của bác sĩ nhãn khoa cũng phù hợp với người lớn, vì nhiều người thường ngạc nhiên tại sao mắt họ lại nhanh mỏi như vậy.
Theo bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng của Nga Ilona Startseva, HS khi phải học quá nhiều thì điều quan trọng là nên liên tục thay đổi hoạt động và luyện tập thể thao. Đặc biệt, cần hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Theo bà, HS tiểu học và THCS có thể sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng 2 lần/ngày, mỗi lần 30 phút; còn HS THPT là 1 giờ vào buổi sáng và 1 giờ vào buổi chiều. Ngoài ra, HS bắt buộc phải ngủ đủ giấc, vì khi ngủ cơ thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Cũng theo bác sĩ Ilona Startseva, trẻ em phải được vận động nhiều hơn vào ban ngày. Các công trình nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng tự nhiên có tác động tích cực đối với mắt. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ em nên dành ít nhất 2 giờ mỗi ngày ở ngoài trời. Khi đọc và viết phải sử dụng ánh sáng thích hợp, bàn ghế phải phù hợp với chiều cao của HS. Mặt bàn không láng bóng để khỏi gây hại cho mắt.
Ngoài ra, nên tăng cường thị lực bằng các phức hệ bổ sung đặc biệt có chứa lutein và zeaxanthin, vitamin A, C và E, các nguyên tố vi lượng kẽm và selen, cũng như anthocyanins chiết xuất từ quả việt quất. Điều này cho phép duy trì thị lực trong nhiều năm và giúp con người tránh nhiều bệnh nguy hiểm về mắt.