Báo động làn sóng tị nạn từ Myanmar
Hàng ngàn người đã rời khỏi Myanmar chạy sang các nước láng giềng, làm dấy lên lo ngại về làn sóng tị nạn hậu đảo chính tại quốc gia Đông Nam Á này.
Tổ chức cứu trợ Free Burma Rangers (FBR) hôm 30-3 cho biết có trẻ em trong số thương vong sau vụ không kích của quân đội Myanmar nhằm vào khu vực do một nhóm vũ trang thiểu số kiểm soát ở phía Đông Nam nước này. Theo Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP), khoảng 8 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hôm 30-3 và đến nay có ít nhất 521 người chết và hơn 2.600 người bị bắt giữ sau chính biến.
Kể từ sau cuộc không kích cuối tuần qua, khoảng 3.000 người đã cố vượt sông Salween vào Thái Lan nhưng 2.000 người đã bị nước láng giềng từ chối tiếp nhận. Tổ chức Phụ nữ Karen (KWO), nhóm hoạt động ở bang Karen và các trại tị nạn ở Thái Lan, xác nhận các cuộc không kích của quân đội đã buộc 10.000 người ở bang Karen rời bỏ nhà cửa và 3.000 người đã vượt biên sang Thái Lan.
Theo đài CNN, hàng trăm người cũng đã bộ hành qua miền Tây Myanmar để sang bang Mizoram - Ấn Độ. Một nhóm người dân địa phương và các nhà hoạt động đã hỗ trợ nơi trú ẩn cho người tị nạn Myanmar. Trong khi đó, tại Trung Quốc, những người vượt biên từ Myanmar bị đổ lỗi gây ra làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 mới. Tỉnh Vân Nam, giáp với Myanmar về phía Nam, đã phát hiện 9 trường hợp nhiễm mới hôm 30-3, 4 ca trong số đó là công dân Myanmar. Ủy ban Y tế Vân Nam cho biết chính quyền địa phương sẽ ngăn chặn những vụ vượt biên bất hợp pháp từ Myanmar.
Trong diễn biến liên quan về bà Aung San Suu Kyi, luật sư của cố vấn nhà nước Myanmar hôm 31-3 cho biết bà Suu Kyi đã xuất hiện trong một cuộc họp trực tuyến với tình trạng sức khỏe tốt. Luật sư Min Min Soe nói với hãng tin Reuters rằng bà Suu Kyi, người bị chính quyền quân sự bắt giữ trong cuộc đảo chính đầu tháng 2, muốn gặp trực tiếp các luật sư của mình và không đồng ý thảo luận trực tuyến trước sự hiện diện của cảnh sát. Tuy nhiên, bà chỉ được gặp ông Min Soe qua hình thức trực tuyến khi luật sư này được triệu tập đến một đồn cảnh sát tại thủ đô Naypyidaw. Phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra trong ngày 1-4.
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lên án cuộc đụng độ bạo lực giữa lực lượng an ninh và người biểu tình, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 30-3 thông báo nước này đã hoãn viện trợ mới cho Myanmar. Nhà ngoại giao hàng đầu Nhật Bản cho rằng việc ngừng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) sẽ gây sức ép với quân đội Myanmar nhiều hơn so với các biện pháp trừng phạt.