Báo động mất an toàn ở các cơ sở thẩm mỹ 'chui'
Liên tiếp 2 người tử vong trong vòng 1 tuần qua tại 2 bệnh viện thẩm mỹ ở TPHCM và sau đó cả 2 cơ sở đều bị tạm ngưng thực hiện gây mê.
Vậy quy trình đảm bảo an toàn tại các cơ sở thẩm mỹ hiện nay thế nào? Trách nhiệm của cơ quan chức năng ra sao khi vẫn có tình trạng cơ sở làm đẹp hành nghề một cách bất chấp pháp luật và nhiều khách hàng bất chấp cả sức khỏe, tính mạng của mình để trở nên đẹp như một thần tượng nào đó?
Theo quy định của pháp luật, các phương pháp làm đẹp có xâm lấn, như nhấn mí, tiêm filer, nâng mũi, nâng ngực, tiêm mỡ, hút mỡ… phải được cấp phép và chỉ được thực hiện tại bệnh viện.
Những bệnh viện thẩm mỹ phải trải qua khâu thẩm định của Sở Y tế các tỉnh, thành phố với những yêu cầu cao, được đánh giá là hết sức chặt chẽ mới được cấp phép.
Sau khi cơ sở đi vào hoạt động, Sở Y tế còn phải kiểm tra đột xuất không chỉ về thủ tục giấy tờ mà còn kiểm tra cả trình độ và việc cập nhật kiến thức của bác sĩ, vì theo quy định, trong 2 năm, bác sĩ phải trải qua 48 tiết học liên tục để tiếp nhận kiến thức mới, nâng cao tay nghề.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ phải có bác sĩ với thời gian thực hành 54 tháng thì mới được đứng tên phụ trách chuyên môn của cơ sở. Nhân viên kỹ thuật phải được đào tạo và phải nằm trong danh sách được Sở Y tế duyệt mới được hoạt động việc. Thứ 2 là về trang thiết bị phải có đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng để đảm bảo hoạt động. Thứ 3 là điều kiện cơ sở vật chất như diện tích buồng phòng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Sau khi cơ quan y tế thẩm định thấy đạt theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 109 thì sẽ tiến hành cấp phép. Sau khi được cấp phép mới được hoạt động".
Quy định chặt chẽ là vậy, nhưng tại sao cái chết của nữ Việt Kiều khi căng da mặt tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam chưa kịp lắng xuống thì một phụ nữ khác lại tử vong khi đặt túi ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS.
Câu hỏi đặt ra là thời gian qua Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã thẩm định, cấp phép và hậu kiểm như thế nào đối với 2 bệnh viện thẩm mỹ này? Những bệnh viện này có đủ các điều kiện hoạt động không hay chỉ trưng đủ những thiết bị và giấy phép chuyên môn trong những lần thẩm định, kiểm tra được báo trước?
Trong bối cảnh nhiều cơ sở làm đẹp hoạt động “bát nháo” như hiện nay, những câu hỏi vừa nêu cần được đặt ra hơn bao giờ hết. Theo bà Đặng Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch thường trực Hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, trước nhu cầu rất lớn của khách hành, thời gian qua dịch vụ làm đẹp đã phát triển quá nhanh, nhà nhà mở cơ sở thẩm mỹ, spa. Điều đáng nói, các cơ sở này chỉ được cấp phép làm đẹp không xâm lấn, nhưng lại quảng cáo và thực hiện nhiều dịch vụ như nâng mũi, nâng ngực, phẫu thuật thẩm mỹ chui…
Bà Đặng Thị Xuân Hương cho rằng: "Các cơ sở này không có y bác sĩ mà chỉ có kỹ thuật viên đào tạo sơ sài trong vài ba tháng. Còn khách hàng chủ yếu là phụ nữ lại tin theo quảng cáo, sẵn sàng thực hiện kỹ thuật xâm lấn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân của tình trạng này một phần cũng do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý, còn các cơ sở làm đẹp thì vì lợi nhuận mà bất chấp hậu quả, trong khi người dân thì không thể kiểm tra được cơ sở đó có được cấp phép thực hiện các dịch vụ xâm lấn hay không”.
Trước ma trận quảng cáo của dịch vụ làm đẹp, nhiều khách hàng đã bị tai biến. Tại Hà Nội, mới đây nhất một phụ nữ 28 tuổi được một thẩm mỹ viện trên đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng hút mỡ ở bụng, cánh tay, rồi bơm lên ngực. Hậu quả là cô gái này bị ngất xỉu, co giật nhiều lần và may mắn thoát chết sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Gia Vinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học Việt Nam, nhu cầu làm đẹp đang tăng quá nhanh. Nhiều người mong muốn được làm đẹp nhanh chóng, giá rẻ và phải đẹp như thần tượng nên đã tìm đến những cơ sở không được cấp phép hoặc có chuyên môn không cao dẫn đến những biến chứng nặng nề.
“Người dân đi làm đẹp phải tìm đến những cơ sở có trang thiết bị hiện đại, phẫu thuật viện được đào tạo bài bản đầy đủ, tránh đến những cơ sở kẻ lông mày, làm móng tay để phẫu thuật thẩm mỹ để tránh những hậu quả đáng tiếc”, GS Lê Gia Vinh nói.
Đã có những bài bài học nhãn tiền, với cái giá phải trả quá đắt, bằng cả mạng sống, nhưng nhiều năm nay cứ đến mùa cưới và dịp Tết (thời điểm nhu cầu làm đẹp tăng cao) là lại ghi nhận nhiều vụ tai biến tại các cơ sở thẩm mỹ.
Có lẽ sự buông lỏng quản lý, thậm chí là bảo kê của ngành y tế và chính quyền địa phương là lý do chính cho sự tồn tại của những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chui, những bệnh viện thẩm mỹ chuyên môn yếu. Và đó cũng là nguyên nhân sâu xa của những trường hợp đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy tai biến, mất người tại các cơ sở làm đẹp./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bao-dong-mat-an-toan-o-cac-co-so-tham-my-chui-969185.vov