Báo động nạn xe buýt vi phạm luật
Thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương sẽ cấm các tuyến xe buýt liên tỉnh đi vào khu vực nội đô
Xuống cấp và nhiều vi phạm
Thời gian gần đây, nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh khi đi vào nội đô TP. Đà Nẵng đã gặp phải sự phản ứng của người dân bởi phương tiện xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường và đặc biệt là những vi phạm liên quan đến an toàn giao thông… Cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân để xử lý, nhưng trình trạng này vẫn tiếp diễn. Đứng trước tình trạng này, chính quyền thành phố đã có chủ trương sẽ cấm các tuyến xe buýt liên tỉnh đi vào khu vực nội đô.
Theo đại diện Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng, hiện trên địa bàn có 5 tuyến xe buýt liên tỉnh từ Quảng Nam đi Đà Nẵng và ngược lại. Trong đó, có các tuyến: Đà Nẵng - Hội An, Đà Nẵng - Ái Nghĩa, Đà Nẵng - Tam Kỳ, Đà Nẵng - Phú Đa và tuyến Thọ Quang - Quế Sơn. 100 xe buýt đang được khai thác trên các tuyến này, trong đó đa phần là những xe cũ. Cũng theo đại diện Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng, các tuyến xe buýt liên tỉnh này đang có quá nhiều hạn chế và vi phạm; chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật xe và chất lượng dịch vụ kém. Từ tháng 1/2017 đến tháng 9/2019, các cơ quan chức năng ở địa phương đã kiểm tra, xử lý 266 trường hợp xe buýt liền kề vi phạm với tổng số tiền phạt gần 100 triệu đồng.
Thực tế hiện nay, nhiều xe buýt liên tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng khi không được tu bổ thường xuyên. Nhiều xe có hệ thống ghế ngồi hư hỏng, thủng nát, thành thùng xe bị rỉ sét. Nước sơn bong tróc không được khắc phục; thiết bị giám sát hành trình gắn trên xe buýt thường xuyên bị mất tín hiệu; Việc niêm yết thông tin bắt buộc trên xe buýt không đầy đủ, do quá mờ hoặc quá cũ…
Bên cạnh đó, thái độ phục vụ trên các tuyến xe buýt này cũng gặp sự phản ứng mạnh mẽ của người dân. Cụ thể, đội ngũ lái xe, phụ xe hầu hết không mặc đồng phục, không đeo thẻ tên khi làm nhiệm vụ, thu tiền của hành khách lại không xuất vé. Hoặc, có trường hợp thu tiền vé cao hơn quy định. Bên cạnh đó, nhiều tài xế còn dừng đỗ xe đón bắt khách dọc đường, đón trả khách không đúng nơi quy định. Bởi vậy, những chiếc xe buýt to kềnh càng của các tuyến buýt liền kề Đà Nẵng - Quảng Nam là một trong những tác nhân góp phần gây ách tắc giao thông ở khu vực nội thành Đà Nẵng...
Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng cũng đã tiếp nhận và xử lý nhiều trường hợp phản ánh liên quan đến các tồn tại, hạn chế của đội ngũ lái phụ xe về chấp hành an toàn giao thông và các quy định về hoạt động xe buýt cũng như chất lượng dịch vụ thấp kém trong quá trình vận hành của các xe buýt liền kề. Những vi phạm này đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh chung của đô thị Đà Nẵng, cũng như quy hoạch chung về phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn. Ông Hà Văn Tiến, ở quận Cẩm Lệ cho rằng, các tuyến xe buýt này nên bị đình chỉ hoạt động hoặc được thay thế bằng mẫu xe mới, nâng cao thái độ phục vụ để người đi đường không gặp nguy hiểm.
Sẽ cấm đi vào nội đô
Trước thực trạng những vi phạm của các tuyến xe buýt liền kề, các cơ quan chức năng đặc biệt là ngành giao thông vận tải TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần ra quân phối hợp, song tình hình vẫn không được cải thiện. Bởi vậy, mới đây chính quyền thành phố đã có chủ trương sẽ cấm các tuyến xe buýt liên tỉnh vào nội đô. Theo ông Bùi Thanh Thuận - Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng, theo công văn hướng dẫn của UBND TP. Đà Nẵng, sở đang nghiên cứu tham mưu cho UBND điều chỉnh lộ trình xe buýt tuyến Quảng Nam - Đà Nẵng không đi vào nội đô. Dự kiến, thời gian thực hiện điều chỉnh vào cuối năm nay.
Thực tế, từ năm 2013 UBND TP. Đà Nẵng cũng đã phê duyệt quy hoạch xe buýt giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, có việc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt liền kề giữa Đà Nẵng - Quảng Nam và ngược lại theo hướng không đi vào khu vực nội thành Đà Nẵng. Sau đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã có thông báo với phía Quảng Nam để thống nhất phương án điều chỉnh lộ trình của các tuyến xe buýt nối liền hai địa phương. Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị các điểm đầu cuối dành cho các tuyến xe buýt liên tỉnh tại khu vực ngoại thành như, ở khu vực Bến xe phía Nam, khu vực trường Cao đẳng Việt Hàn hay trung tâm hành chính huyện Hòa Vang.
Đặc biệt, nhằm thực hiện chủ trương sẽ không cho các tuyến xe buýt liên tỉnh đi vào khu vực nội đô, chính quyền thành phố đã đưa vào khai thác nhiều tuyến xe buýt trợ giá, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mới đây nhất, Đà Nẵng đã khai thác thử nghiệm thêm 6 tuyến xe buýt trợ giá mới từ tháng 8/2019. Chỉ trong vòng ba năm gần đây, TP. Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động 14 tuyến buýt mới, cung cấp phương tiện di chuyển có chất lượng phục vụ cao với chi phí thấp cho người dân kết nối toàn thành phố theo đúng quy hoạch vận tải công cộng trên địa bàn. Về lâu dài những tuyến xe buýt mới, hiện đại này sẽ nối tuyến đưa đón hành khách từ khu vực ngoại thành vào nội đô.
Ở chiều ngược lại, chủ trương cấm xe buýt liên tỉnh đi vào nội đô của chính quyền địa phương lại vấp phải phản ứng của các đơn vị đang khai thác xe buýt liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây cũng là điều dễ hiểu, khi hầu hết các doanh nghiệp này đều đang khai thác có hiệu quả. Trước nguy cơ không còn được vào trung tâm thành phố, các doanh nghiệp này cũng đã có văn bản xin giữ nguyên lộ trình được đi vào nội đô như hiện nay.
Theo đại diện các doanh nghiệp, tuyến buýt này hiện vận chuyển bình quân 8.300 lượt khách/ngày, tạo được thói quen đi lại cho người dân hai địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Nếu không được đi vào nội đô sẽ ảnh hưởng đến thói quen đi lại của nhiều người dân. Hơn nữa, việc cấm các tuyến buýt liên tỉnh đi vào nội đô sẽ tạo thêm áp lực giao thông thành phố. Bởi, do người dân sẽ phải sử dụng xe máy vào trung tâm thành phố nhiều hơn.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/bao-dong-nan-xe-buyt-vi-pham-luat-94675.html