Báo động nguy cơ va chạm giao thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Trong gần 80 ngày, 55 vụ va chạm giao thông đã xảy ra trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do lượng phương tiện tăng cao...
Thông tin từ Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, sau gần 80 ngày đưa vào khai thác (từ ngày 30/4 - 17/7/2022), đơn vị quản lý vận hành cao tốc đã phục vụ hơn 1,8 triệu lượt xe. Lưu lượng trong 30 ngày gần đây đạt khoảng hơn 31.000 xe/ngày đêm.
Đáng nói, chỉ trong gần 3 tháng vận hành, trên tuyến cao tốc đã xảy ra 55 vụ va chạm, 489 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu được cứu hộ.
“Vấn đề chính của dự án là giai đoạn 1 hoàn thành quá chậm, kéo dài hơn một thập kỷ và chưa đưa vào thu phí nên các phương tiện tập trung đi nhiều vào cao tốc. Đây là nguyên nhân khiến lưu lượng xe tăng đột biến, gây ra nhiều tai nạn, làm khó cho đơn vị vận hành”, đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phân tích.
Đại diện đơn vị vận hành dự án đồng thời kiến nghị các cơ quan liên quan cần tiếp tục phối hợp thực hiện các giải pháp, từ điều tiết giao thông trong ngắn hạn đến triển khai giải pháp kỹ thuật về dài hạn để khắc phục bất cập, đảm bảo cho phương tiện lưu thông trên tuyến.
Sốt ruột trước nguy cơ mất an toàn trên tuyến cao tốc, trước đó, ngày 18/7/2022, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề xuất đầu tư giai đoạn 2 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Nêu rõ quan điểm, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được Thường trực Chính phủ đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang năm 2019.
Sau khi nhận chuyển giao, Tiền Giang đã phối hợp với liên danh nhà đầu tư Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tích cực đôn đốc, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị khẩn trương huy động tối đa các nguồn lực, khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ.
Ngày 30/4/2022, dự án đã được đưa vào khai thác để người dân lưu thông và đánh giá khách quan về chất lượng công trình, qua đó các bên xem xét phát hiện các vướng mắc, bất cập để kịp thời điều chỉnh đảm bảo an toàn cho các phương triện lưu thông trên tuyến.
Tuy nhiên, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện quá lớn. Do quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán dựa trên lượng xe cách đây 10 năm, đến nay không còn phù hợp với sự gia tăng của phương tiện và nhu cầu của người dân.
Dự án cũng chưa bố trí làn dừng khẩn cấp, không khả thi trong quá trình khai thác sử dụng vì khi xe gặp sự cố không thể chạy tới điểm dừng, phương tiện cứu nạn cứu hộ không kịp xử lý.
Trước những bất cập trên và hướng tới mục tiêu đồng bộ mạng lưới giao thông với những tuyến cao tốc sắp triển khai như: Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo đúng quy hoạch được duyệt với quy mô 6 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp trước năm 2030.
Chính thức thu phí từ ngày 1/8
Theo hợp đồng BOT, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đủ điều kiện thu phí chính thức. Song, để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp vận tải, nhà đầu tư đã thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang kéo dài thời gian lưu thông miễn phí từ 60 ngày lên 90 ngày.
Theo kế hoạch, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ đưa vào thu phí chính thức từ 1/8/2022.
PGS.TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế - Dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, việc hỗ trợ phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong 90 ngày qua để nhận diện về chất lượng công trình, mức độ an toàn là đáng hoan nghênh.
Đây cũng là hành động thể hiện sự thiện chí và ý thức tuân thủ nguyên tắc hợp tác của nhà đầu tư với Nhà nước trong quá trình xây dựng, vận hành công trình.
“Dự án cần phải đưa vào thu phí theo kế hoạch, thực hiện đúng nguyên tắc của hợp đồng và phương án tài chính đã ký để đảm bảo quyền lợi và tạo niềm tin cho Doanh nghiệp đã dám mạnh dạn đảm nhận xử lý các vướng mắc, hoàn thành dự án phục vụ cho 21 triệu dân ĐBSCL”, ông Huệ nói.