Báo động ô nhiễm môi trường nước trên phạm vi toàn cầu
Nước là nguồn tài nguyên quý giá, là nguồn sống quý báu của vạn vật trên Trái Đất. Tuy nhiên hiện nay nguồn nước đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm môi trường nước là tình trạng các nguồn nước tự nhiên bị nhiễm các chất độc hại hoặc các chất gây ô nhiễm làm giảm chất lượng nước, gây hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Một nghiên cứu mới về môi trường được thực hiện tại Anh cho thấy rất nhiều sông ngòi ở nước này đang bị ô nhiễm. Theo một dự án thử nghiệm chất lượng nước lớn nhất từng thực hiện ở Anh, 83% các con sông ở nước này có bằng chứng về tình trạng ô nhiễm cao do nước thải và chất thải nông nghiệp gây ra.
Nhiều con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng tại Anh
Các con sông ở phía Bắc nước Anh đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng ô nhiễm nước thải với tỷ lệ xả thải cao nhất cả nước.
Quanh thung lũng Irwell, nơi các con sông như Croal và Irwell chảy qua Manchester, tỷ lệ xả thải gấp 12.000 lần vào năm 2023 - cao nhất trong số tất cả các con sông ở Anh.
Tình trạng ô nhiễm sông ngòi cũng đặc biệt nghiêm trọng ở phía Đông Nam nước Anh, với gần 90% con sông có chất lượng nước kém, bị ảnh hưởng bởi nitrat và phospho từ chất thải nông nghiệp. Lượng nước thải chưa được xử lý đã tăng hơn 50% trong năm 2023 so với năm 2022.
Các công ty đã xả nước thải chưa qua xử lý ra sông gấp 400.000 lần ở Anh vào năm 2022 so với năm 2021, và tăng hơn 50% trong năm 2023. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón trong canh tác không theo quy định cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước.
Tiến sĩ Sasha Woods cho biết, có rất nhiều chất thải được xả ra các dòng sông và điều này gây ra tình trạng ô nhiễm như hiện nay. Hệ quả của nó là ảnh hưởng đến số lượng các loài thực vật và động vật sống ở sông, cũng như sinh kế của người dân do ngành đánh cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đại diện của Bộ Môi trường, Lương thực và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh cho biết cơ quan này đang thực hiện những hành động toàn diện để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước ở sông và biển, với nhiều quy định mạnh mẽ và thực thi chặt chẽ hơn.
Ô nhiễm biển trầm trọng tại biên giới Mỹ - Mexico
Người dân ở biên giới Mỹ - Mexico đang yêu cầu được trợ giúp khẩn cấp bởi nước thải tràn ra biển đang gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống của họ. Mỗi ngày, hàng triệu lít nước thải chưa được xử lý chảy qua hẻm núi và đổ ra Thái Bình Dương, ngay phía Nam biên giới Mỹ - Mexico.
Những đợt sóng mùa hè từ phía Nam lại đẩy nước biển bị ô nhiễm nước thải về miền Bắc. Thêm vào đó là hàng triệu lít nước thải đã qua xử lý lẫn chưa qua xử lý chảy xuống sông và đổ ra biển ngay phía Bắc biên giới.
Khi gió và dòng chảy cùng hợp lực, mùi hôi sẽ bủa vây thị trấn Imperial Beach cổ kính, thuộc hạt San Diego, Mỹ. Nếu đó là hậu quả của một cơn bão hoặc cháy rừng thì cuộc khủng hoảng hiện nay có thể được giải quyết bằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp, dùng quỹ phục hồi để xử lý thiệt hại về môi trường, mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng và những mất mát của ngành du lịch.
Thay vào đó những người yêu biển và các chính trị gia ngày càng thất vọng trước khó khăn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng môi trường được coi là lớn nhất của cả nước.
Một nhà máy quá tải và thiếu ngân sách được xây dựng ở Mỹ để xử lý nước thải từ Mexico đổ sang đã ngừng hoạt động do khối lượng phải xử lý ngày càng tăng trong hai năm qua. Ngay phía Bắc bức tường biên giới Mỹ - Mexico, các quan chức y tế quận San Diego thuộc Mỹ đã đóng cửa bãi biển trong hơn ba năm liên tiếp.
Xa hơn một chút về phía Bắc, các biển báo cảnh báo “Không xuống nước”, đã được duy trì liên tục kể từ tháng 9/2021, khiến những người thích lướt sóng mất chỗ chơi. Trong khi thị trấn Imperial Beach mất đi doanh thu du lịch mùa hè vốn là nguồn thu quan trọng.
Phía Mexico cho biết một nhà máy xử lý nước thải sẽ sớm đi vào hoạt động và hy vọng sẽ chấm dứt được tình trạng ô nhiễm biển ở khu vực biên giới Mỹ-Mexico.
Đảo rác đe dọa cuộc sống người dân tại Guatemala
Xả rác ra sông hồ là thực trạng đáng buồn tại nhiều nơi trên thế giới. Tại Guatemala, trên một chiếc hồ dài 12 km thậm chí còn hình thành "đảo rác". Mọi loại rác bị đem vứt bỏ bừa bãi tạo nên cảnh quan xấu xí, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh kế người dân. Nhìn gần hòn đảo giữa hồ Amatitlan tại Guatemala sẽ thấy: hòn đảo này được tạo nên hoàn toàn từ rác.
Rác thải đang khiến nước hồ ngày càng xuống cấp. Ô nhiễm khiến nồng độ nitơ trong nước tăng, dẫn đến sự phát triển quá mức của tảo siêu nhỏ, có màu xanh lục lam đặc trưng và thải ra độc tố loại bỏ các loại tảo làm sạch nước khác.
Tuy nhiên, có lẽ người dân không thể chỉ ngồi trách cứ, vì họ là những người đã xả rác ra môi trường. Ngoài rác do dân địa phương thải ra, còn có rác từ những nơi khác trôi đến, khiến đảo rác ngày càng phình to, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe và sinh kế của người dân vốn sống dựa vào nghề đánh cá.
Kể từ năm 2006, luật kiểm soát hàm lượng nitơ cao trong hồ Amatitlan đã được phê duyệt. Các đô thị xung quanh đã nhận được kinh phí để xây dựng các nhà máy xử lý nước. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đã được phân bổ cho các dự án khác, khiến việc khôi phục hồ bị trì hoãn.
Chiến dịch thu gom rác trên biển đổi lấy gạo tại Philippines
Mabini là địa điểm lặn biển nổi tiếng nằm trong tam giác san hô - trung tâm đa dạng sinh học biển toàn cầu trải dài qua Philippines, Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng lượng rác thải dọc theo bờ biển mỗi năm.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, mới đây, các tình nguyện viên tại Mabini, thị trấn gần thủ đô Manila của Philippines đã tổ chức chương trình “đổi rác thải nhựa lấy gạo”.
Anh Giulio Endaya - một tình nguyện viên cho biết, vùng duyên hải Mabini ở tỉnh Batangas được biết đến với những rạn san hô rực rỡ và đa dạng sinh học biển, nhưng làn sóng ô nhiễm nhựa gia tăng đã gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với các loài động vật biển. Chương trình "Rác thải nhựa đổi lấy gạo" đã ra đời, được tài trợ bởi sự quyên góp từ các cá nhân và các công ty nhỏ ủng hộ việc bảo tồn hệ sinh thái đại dương.
Theo anh Endaya, kể từ khi chương trình đổi rác lấy gạo bắt đầu vào tháng 10/2022, hơn 4,3 tấn rác thải nhựa đã được thu gom. Đổi lại, 2,6 tấn gạo đã được phân phát. Gạo được phân phát trong các bao 1kg, đủ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của một gia đình nhỏ.
Người dân vùng duyên hải Mabini, tỉnh Batangas, Philippines hào hứng thu gom rác thải trên bãi biển để đổi gạo.
Các nhà tài trợ tư nhân và các công ty nhỏ đóng góp tài trợ cho chương trình. Điều này giúp các gia đình có thu nhập thấp có thể giảm hóa đơn lương thực sau khi giá gạo tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo báo cáo cập nhật vào tháng 4/2022 của dự án Our World in Data tại Đại học Oxford, Philippines là nước thải ra rác thải nhựa trên đại dương lớn nhất thế giới, chiếm 36% tổng lượng rác thải toàn cầu.
Nhật Bản hạn chế loài cầu gai chống sa mạc hóa biển
Nhật Bản đang phải chật vật đối phó với hiện tượng "sa mạc hóa biển" khi diện tích rừng rong biển ven bờ giảm mạnh. Vì vậy, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đang thử nghiệm cho những con cầu gai, hay còn gọi là nhím biển hoặc nhum biển, chuyển sang ăn rau, nhằm ngăn loài sinh vật này ăn lượng lớn rong biển vốn đang ngày càng sụt giảm trong hệ sinh thái biển nước này.
Khu vực vịnh Sagami, thuộc tỉnh Kanagawa tại Nhật Bản đang chứng kiến diện tích thảm rong biển sụt giảm tới 80% trong 30 năm qua. Đây cũng là nơi tập trung nhiều loài sinh vật biển đa dạng, hỗ trợ cuộc sống và sinh kế của ngư dân địa phương.
Một số nhà khoa học cho rằng việc cầu gai ăn rong quá mức là nguyên nhân gây ra tình trạng sa mạc hóa biển, trong bối cảnh số lượng loài cầu gai tại đây đang tăng với tốc độ cao chưa từng thấy.
Không giống như cầu gai được bán cho các quán sushi sang trọng, hầu hết loài này ở vùng ven biển Kanagawa có nhiều bộ phận không thể ăn được, do đó ngư dân khó có thể bán sau khi đánh bắt.
Vì vậy, các nhà khoa học tại đây đang nghiên cứu cách nuôi cầu gai tím Thái Bình Dương. Các chuyên gia đã sử dụng các loại rau cải sau khi biết được loài này rất thích ăn rau như bắp cải dư thừa và rau cải ngọt.
Cầu gai địa phương thường chỉ có khoảng 3% có thể ăn được, song tỷ lệ này ở những loài được nuôi trong phòng thí nghiệm lên đến 20% và ít vị đắng hơn.
Hiện tại, phần lớn người dân địa phương sử dụng cầu gai bắt được để làm phân bón chăm cây. Tuy nhiên, các chuyên gia hy vọng những phát hiện trong dự án nghiên cứu trên sẽ mở ra hướng đi có giá trị kinh tế và sinh kế cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ các thảm rong biển còn lại hiện nay, giúp ngăn chặn hiện tượng sa mạc hóa biển.
Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng nước sạch ngày càng khan hiếm do sự ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. Các nguồn nước ngọt như sông, hồ, và nguồn nước ngầm bị nhiễm các chất độc hại như thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, và rác thải nhựa. Tình trạng này không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe con người mà còn đe dọa đến sự tồn tại của hệ sinh thái nước ngọt.
Giải quyết ô nhiễm môi trường nước là vấn đề câp thiết. Các giải pháp khắc phục cần phải được thực hiện sớm để bảo vệ nguồn nước sạch cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Các biện pháp này bao gồm việc cải thiện hệ thống xử lý nước thải, tăng cường quản lý và giám sát việc xả thải, khuyến khích sử dụng các công nghệ sạch, và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường nước.
Chỉ khi có sự chung tay của chính phủ và người dân, chúng ta mới có thể đối phó hiệu quả với thách thức lớn này. Bản tin NRTG hôm nay xin tạm dừng tại đây, cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi.