Báo động sập cầu cũ ở Âu, Mỹ vì quên bảo trì
Sau vụ sập cầu Morandi tại Genoa, Italia, nhìn lại tình trạng cầu đường tại nhiều nước phương Tây hiện đại...
Nước nào cũng có
Tại Pháp, Bộ Giao thông nước này thực hiện khảo sát và phát hiện, hơn 800 cầu đứng trước nguy cơ sập chỉ trong vài năm nữa. Bộ Giao thông Pháp ủy quyền hai công ty tư vấn tư nhân thực hiện khảo sát trên từ tháng 7 nhưng sau thảm kịch tại Italia, truyền thông nước này nhấn mạnh lại kết quả trên nhằm hối thúc Chính phủ có biện pháp khắc phục.
Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 840 cầu tại Pháp (tương đương 1/3 số cầu thuộc Nhà nước bảo trì) có những dấu hiệu bị hư hại, đứng trước nguy cơ sập nếu không sớm được gia cố.
Bộ Giao thông Pháp đã lên tiếng trấn an dư luận, khẳng định những dấu hiệu này không hề gây nguy hiểm, người dân không nên hoảng loạn. “Khi mô tả bất cứ cây cầu nào trong tình trạng yếu kém, bạn phải nói đến rủi ro trong dài hạn. Thêm nữa, chắc chắn chúng tôi sẽ không mở cửa bất cứ cây cầu nào nếu chúng không hoàn toàn an toàn. Nếu xảy ra bất cứ mối đe dọa nào dù rất nhỏ, cơ quan chức năng sẽ hành động ngay lập tức”, thông báo của Bộ Giao thông Pháp cho hay.
Tuy nhiên, ông Michel Virlogeux, một kỹ sư từng thiết kế cây cầu cao tốc 4 làn Millau Viaduct bắc qua sông Tarn, miền Nam nước Pháp cho rằng, những con số trên rất đáng báo động và không thể chắc chắn về chất lượng cầu như quan điểm của Chính phủ Pháp.
Tại Mỹ, Hiệp hội Kỹ sư dân dụng Mỹ mới công bố đánh giá về chất lượng cầu trên toàn quốc cho thấy, nhìn chung, hạ tầng Mỹ chỉ nhận điểm D+, đặc biệt, nói về cầu, số điểm là C+.
Theo tờ Business Insider, mỗi bang có ít nhất 1 cây cầu trong tình trạng yếu kém. Thậm chí, Trung tâm Bảo hiểm ô tô cho rằng, có khoảng 10.000 cây cầu trên khắp đất nước đang trong tình trạng xập xệ.
Còn ở Italia, đất nước vừa chứng kiến vụ sập cầu thảm khốc, ước tính có tới 300 cây cầu, hầm đứng trước rủi ro sai cấu trúc, tờ Telegraph dẫn lời các chuyên gia cảnh báo. Khoảng 70% trong số 15.000 cây cầu cao tốc và đường hầm tại Italia hơn 40 năm tuổi, trong đó nhiều cầu được xây từ thời bùng nổ phát triển hậu chiến và nay đang gánh lượng xe quá tải so với thiết kế. Trong danh sách này nổi lên cái tên Magliana - một cây cầu tại Thủ đô Rome kết nối trung tâm thành phố với Fiumicino, sân bay bận rộn nhất của thủ đô.
Hiệp hội Kỹ sư dân dụng CNR của Italia cho biết, rất nhiều cấu trúc cầu được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ XX cùng thời với cầu Morandi và nay đã quá hạn sử dụng. Hiệp hội này kêu gọi chính phủ phải có kế hoạch tổng thể để sửa chữa hoặc thay thế hàng chục nghìn cây cầu của Italia được xây dựng từ thời hậu chiến.
Cạn đầu tư, thiếu bảo trì
Nhìn toàn diện, nguyên nhân gây ra thực trạng “dân sống cùng với nỗi lo sập cầu” tại các nước trên phần lớn là do bảo trì kém, thiếu đầu tư, hạn chế nhân lực kỹ thuật.
Chẳng hạn, theo báo cáo khảo sát của Pháp, các cầu tại nước này “chỉ được sửa chữa sau trung bình 22 năm kể từ khi xuất hiện dấu hiệu xuống cấp đầu tiên”. Ông Dominique Bussereau, người từng là Thứ trưởng Bộ Giao thông dưới thời Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, vài năm gần đây, Chính phủ chi tiêu rất ít vào bảo trì hạ tầng. “Chúng tôi đã chi 700 triệu euro/năm nhưng đáng lẽ số tiền đó phải là 1,3 tỉ euro”, ông Bussereau nói.
Với Italia, các chuyên gia cũng nhận định, tình trạng thiếu đầu tư, bảo trì kém, một số trường hợp liên quan tới sự thao túng của các công ty do mafia điều hành chuyên sử dụng bê tông kém chất lượng để tăng lợi nhuận, chính là những nguyên nhân dẫn đến những thảm họa như Genoa.
Báo La Repubblica của Italia dẫn lời kiến trúc sư hàng đầu nước này cho biết: “Hàng trăm cây cầu tại Italia đang gặp vấn đề mà nếu không được giải quyết kịp thời, nó có thể gây ra lỗi cấu trúc”.