Báo động tình trạng cắt sầu riêng non

Theo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nhưng bên cạnh cơ hội, vẫn còn nhiều thách thức trong chuỗi sản xuất sản phẩm tỷ đô này.

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Nguyễn Hạnh.

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Nguyễn Hạnh.

Diện tích trồng tăng

Hoạt động xuất khẩu rau quả tiếp tục thuận lợi nhờ nhu cầu tăng tại thị trường truyền thống như Trung Quốc và các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan… Trong danh sách 10 thị trường nhập khẩu hàng đầu của rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 15% - 96%.

Riêng với sản phẩm sầu riêng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, từ khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện để cấp cho hơn 700 mã số vùng trồng, gần 200 cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số chỉ đạt 25.000ha trên tổng số 150.000ha. Như vậy, có thể thấy diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của ngành này.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 của Việt Nam khoảng trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Nguyên cho biết, hiện nay nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn là chất lượng, các nhà vườn móc nối với người gõ sầu riêng để bán sầu riêng non. Việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, tuy nhiên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng.

Theo ông Nguyên, việc cắt sầu riêng non sẽ ảnh hưởng đến cả một ngành hàng, hình ảnh nông sản Việt, bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, quá trình thu hái và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu. Khi sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc, châu Âu (EU) thì bắt buộc phải kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khi nào đạt tiêu chuẩn mới thu hái để xuất khẩu.

Hiện nay, nhiều nước đã trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, vì vậy, ông Nguyên khuyến nghị Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm để có được thị trường lâu dài. Quản lý chất lượng phải có tiêu chuẩn cụ thể, sầu riêng cũng vậy, phải nhanh chóng xây dựng áp dụng cụ thể đối với từng loại sầu riêng, hàng sầu riêng đông lạnh ra sao, hàng sầu riêng tươi như nào, hàng sầu riêng sấy sẽ như thế nào...

Cần sự vào cuộc của các địa phương

Đánh giá về thực trạng sản xuất và xuất khẩu sầu riêng, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT cho rằng, còn đứt đoạn, rời rạc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng. Trong khi đó, mục tiêu định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng nước ta là 75.000ha, nhưng đến thời điểm này đã cao gấp đôi so với quy hoạch.

Theo ông Hiếu, đã đến lúc cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra. Địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng. Việc này xuất phát từ doanh nghiệp và địa phương, cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.

"Cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, như vậy sẽ phát triển bền vững hơn so với việc phát triển diện tích vùng trồng sầu riêng ồ ạt mà chưa đảm bảo chất lượng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc này cũng cần sự phối hợp của doanh nghiệp và địa phương" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam), cho rằng, nếu như chúng ta chỉ quan tâm đến chất lượng trái sầu riêng mà không quan tâm đến người sản xuất trái sầu riêng thì sẽ không có được sản phẩm sầu riêng đáp ứng yêu cầu. Công tác đào tạo, tập huấn để chuyên nghiệp trong sản xuất trái sầu riêng cũng vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT cho biết, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc. Chúng ta đã đưa vào trong nội dung đàm phán những điều khoản khá phù hợp, khả thi. Trong đó tính đến các yếu tố áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong công nghệ chế biến. Chúng tôi đã gửi cho phía Trung Quốc xem xét các nội dung này. Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giúp cho Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm sầu riêng và đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản. Sản phẩm chế biến đông lạnh sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm sầu riêng khác.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-dong-tinh-trang-cat-sau-rieng-non-10286531.html