Báo động tình trạng cho vay nặng lãi ở miền quê
Công an huyện Đạ Tẻh vừa điều tra và triệt phá vụ cho vay nặng lãi với lãi suất lên đến gần 320%/năm. 15 người dân tại Đạ Tẻh đã trở thành nạn nhân của vụ việc này.
Tờ rơi tín dụng đen
Theo thông tin từ Công an huyện Đạ Tẻh, giữa năm 2020, Công an huyện nhận được phản ánh của người dân về việc trên địa bàn huyện nhiều lần xuất hiện các tờ rơi với nội dung “cho vay tiền mặt” kèm theo số điện thoại. Một số người dân đã theo số điện thoại trên tờ rơi này vay tiền của đối tượng lưu động với lãi suất rất cao.
Từ nguồn tin báo này, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đạ Tẻh đã tiến hành theo dõi và phát hiện 1 đối tượng nam thường xuyên đến địa bàn huyện để cho vay tiền trả góp với lãi suất cao. Một trong những người vay tiền của đối tượng được cờ quan điều tra xác định là anh Đặng Văn H. (ngụ tại xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh).
Chiều 24/7, qua theo dõi, công an phát hiện đối tượng cho vay nặng lãi đến nhà anh H. đòi tiền, nhưng do không có tiền trả nợ nên anh H. tránh mặt. Đối tượng vào nhà gặp mẹ anh H. để hỏi nợ thì vị công an kiểm tra bắt quả tang.
Đối tượng cho vay tiền được xác định tên là Hà Sỹ Đồng (33 tuổi, ngụ tại xã Đắc Lua, huyện Tân Phú, Đồng Nai). Kiểm tra tại hiện trường, công an đã thu giữ của Hà Sỹ Đồng 4.600.000 đồng trong túi quần; 1 bóp da trong có 5.140.000 đồng và 1 thẻ ATM; 1 chiếc xe máy; 1 cuốn vở ghi chép số liệu cho vay.
Tại cơ quan công an, Đồng khai nhận bắt đầu hoạt động cho vay lãi nặng từ khoảng tháng 8/2019. Để tiếp cận với người muốn vay tiền, Đồng đã in và rải tờ rơi với nội dung “cho vay tiền mặt” kèm theo số điện thoại. Khi có người muốn vay tiền gọi điện thoại, Đồng tìm đến địa chỉ, kiểm tra giấy tờ tùy thân và cho vay, hưởng lãi bằng hình thức trả góp cả gốc và lãi. Những người mới vay tiền lần đầu thì Đồng yêu cầu thế chấp giấy tờ (giấy CMND, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe…), trừ một số trường hợp đặc biệt, Đồng thấy tin tưởng thì không yêu cầu thế chấp. Những người vay đi vay lại nhiều lần mà các lần trước trả góp đầy đủ thì lần sau vay có thể không cần thế chấp giấy tờ.
Lãi suất gần 320%/năm
Có quan điều tra cho biết, qua điều tra cho thấy, mức lãi suất cho vay của Đồng là cứ vay của Đồng 1.000.000 đồng tiền gốc thì mỗi ngày phải trả góp 40.000 đồng cả gốc và lãi trong vòng 32 ngày, tức bằng 1.280.000 đồng. Sau khi cho vay, hàng ngày, Đồng cũng chính là người tìm gặp những người đã vay tiền trực tiếp thu tiền trả góp bằng tiền mặt hoặc yêu cầu người vay tiền chuyển tiền trả góp vào số tài khoản của Đồng.
Với hình thức cho vay trả góp như trên, mức lãi suất cho vay Đồng từ 243,33%/năm đến 319,375%/năm, vượt quá 5 lần mức lãi suất tối đa do Bộ luật Dân sự quy định (20%/năm). Vì vậy, hành vi của Đồng có dấu hiệu của tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự.
Trong quá trình điều tra, Đồng khai nhận khi cho vay tiền và đi thu nợ, Đồng có sổ theo dõi người vay, số tiền cho vay và tiền trả góp thu được hàng ngày. Ngoài số tiền, sổ sách… liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng mà cơ quan điều tra phát hiện thu giữ được khi bắt quả tang thì Đồng còn sổ sách theo dõi và một số giấy tờ của người vay tiền đã thế chấp cho Đồng còn cất giữ tại phòng trọ ở xã Phú Trung (huyện Tân Phú, Đồng Nai). Vì vậy Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện ĐạTẻh đã ra lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đồng.
Kết quả khám xét đã phát hiện thu giữ tại phòng trọ của Đồng 1 cuốn vở có chữ viết tay của Đồng ghi số liệu về việc cho vay lãi nặng; 14 tờ giấy A4 được kẻ thành nhiều cột, nhiều dòng; trong đó, có 6 tờ đã ghi tên và theo dõi việc góp tiền hàng ngày của những người đã và đang vay tiền của Đồng và một số chứng minh nhân dân của những người vay tiền.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người dân vay tiền của đối tượng là những người nông dân nhẹ dạ, có hoàn cảnh khó khăn hoặc đột xuất gia đình cần tiền, khi thấy quảng cáo phát khắp nơi, thấy thủ tục cho vay đơn giản, nhanh gọn nên người dân nghĩ giản đơn vay tiền và bị sập bẫy với lãi suất cao.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đạ Tẻh cho biết, căn cứ sổ sách ghi chép về hoạt động cho vay lãi nặng của Đồng và qua tiến hành xác minh, đã xác định đã có 15 người dân cư trú tại địa bàn huyện Đạ Tẻh đã và đang vay tiền trả góp của Đồng. Trong đó, có người vay 1 lần, cũng có người vay đi vay lại nhiều lần. Có người vay vài triệu, cũng có người vay lên đến vài chục triệu.
Trên cơ sở số liệu ghi chép trong sổ sách của Đồng đã thu giữ được, lời khai của Đồng giải thích về cách ghi chép sổ sách, kết quả xác minh, ghi lời khai những người đã vay tiền trả góp của Đồng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra xác định tổng số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay lãi nặng của 15 người là hơn 133 triệu đồng.
Việc chủ động triệt phá thành công đường dây tín dụng đen của Hà Sỹ Đồng đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, không để hình thành những điểm “nóng” phức tạp trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để xóa triệt để được nạn tín dụng đen ở khu vực miền quê, cần sự vào cuộc đồng bộ của các các cơ quan đoàn thể trong công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức pháp luật, cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm tín dụng đen. Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể cũng nên có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân nông thôn tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của Nhà nước để không bị sập bẫy hoạt động tín dụng đen.