Báo động tình trạng chọn 'giờ vàng' mổ lấy thai
Chọn 'giờ vàng' mổ lấy thai ngày càng gia tăng, nhiều sản phụ còn hai tuần mới tới ngày dự sinh, nhưng vì muốn con sinh vào ngày đẹp, giờ đẹp vẫn xin bác sĩ mổ sớm. Nhiều cha mẹ lại lầm tưởng mổ lấy thai an toàn hơn sinh con theo phương pháp tự nhiên, khiến con đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm tới mạng sống. Chỉ chưa đầy 1 tuần vừa qua, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 6 trẻ sinh mổ chủ động gặp các biến chứng nặng phải vào cấp cứu, thở máy, đặc biệt có 2 trường hợp bị tổn thương phổi nặng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, 1 cháu đã tử vong.
Nguy hiểm khi mổ đẻ chưa có dấu hiệu chuyển dạ
Có mặt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi gặp khá nhiều bà bầu sắp đến ngày sinh nở. Chị L.T.H (Hà Nội) cho biết: "Tôi xác định sinh mổ nên mổ sớm hay muộn đều giống nhau, nên đã xem ngày đẹp để xin mổ chỉ định". Chị H mang thai lần hai được 36 tuần, lần trước sinh mổ nên lần này sinh mổ tiếp. Khi tôi hỏi về việc xem ngày đẹp, giờ đẹp để mổ, nhỡ đâu không "trúng" thì sao? Chị H cho biết, đã đăng ký sinh dịch vụ, nên hy vọng được sắp xếp sinh đúng vào giờ đẹp, ngày đẹp.
Chị H không phải là trường hợp cá biệt chọn "giờ vàng" để sinh con, mà tình trạng này diễn ra khá nhiều đối với những sản phụ. Nhiều người rất tâm đắc khi con sinh vào được ngày hoàng đạo, giờ hoàng đạo, hứa hẹn cho một tương lai may mắn và tốt đẹp. Chính vì thế, nhiều người đã đi xem ngày, xem giờ và chọn sinh dịch vụ để có thể thực hiện được ý nguyện.
Một số bà bầu cho rằng, mổ chỉ định có thể an toàn hơn sinh thường, nên việc chọn "giờ vàng" được thực hiện mà không băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, theo bác sĩ sản khoa, trẻ được sinh ra do mổ đẻ chủ động có thể bị suy hô hấp với nhiều mức độ, từ khó thở thoáng qua đến suy hô hấp nặng cần thở máy, thậm chí cần phải đến ECMO (tim phổi nhân tạo). Một số trường hợp nặng có thể tử vong. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mổ lấy thai chủ động khi chưa có chuyển dạ khiến nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp ở trẻ cao gấp 2,6 lần so với mổ đẻ có chuyển dạ và cao gấp 1,9 lần so với đẻ thường.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Loan - Khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ trong 1 tuần qua, tại đây đã tiếp nhận và cấp cứu cho 6 trẻ sơ sinh nguy kịch do mổ chủ động. Điển hình là bé trai Đ.T.D (1 ngày tuổi, ở Thái Bình) được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng tổn thương phổi nặng, suy tuần hoàn.
Sản phụ mang thai lần hai, do lo lắng những biến chứng của vết mổ đẻ cũ nên gia đình quyết định sinh mổ chủ động khi thai được 37 tuần. Tuy nhiên, sau sinh bé bị suy hô hấp tiến triển, được đặt nội khí quản chuyển đến Trung tâm Sơ sinh. Các bác sĩ phải cho cháu bé thở máy, bơm thuốc vào phổi để hỗ trợ hô hấp, thuốc trợ tim liên tục, sau 7 ngày mới cải thiện và ổn định sức khỏe
Không may mắn như trường hợp này, bé trái 1 ngày tuổi ở Nam Định cũng mổ đẻ chủ động tại bệnh viện địa phương khi thai kỳ ở tuần thứ 36. Do gia đình không nắm được những nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra với cả mẹ và con khi mổ chủ động, nên khi mẹ phải nằm theo dõi thai kỳ trong 1 tuần, gia đình đã quá lo lắng và mong muốn sinh mổ khi chưa có cơn chuyển dạ. Tuy nhiên, sau khi sinh, cháu bé bị suy hô hấp, tăng áp phổi nặng, được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tím tái, suy tuần hoàn. Dù được các bác sĩ cấp cứu thở máy tần số cao, nhưng tình trạng của cháu bé không cải thiện và tử vong sau 3 ngày.
Tăng cường truyền thông
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Loan, sinh con tự nhiên là phương pháp sinh lý và tốt nhất cho mẹ và thai. Mổ lấy thai chỉ nên thực hiện trong trường hợp mẹ có bệnh lý và thai không cho phép đẻ thường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng mổ đẻ khi chưa có chuyển dạ (mổ đẻ chủ động) do chọn ngày giờ sinh đẹp trở nên phổ biến.
Tỷ lệ mổ lấy thai ở nhiều nước trên thế giới cũng có xu hướng tăng nhanh trong những năm trở lại đây, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ mổ lấy thai vẫn còn cao, khoảng 39,1%. Một nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội, tỷ lệ mổ lấy thai ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương là 41%, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là hơn 43%.
Trong số 423 bà mẹ (ở quận Hoàn Kiếm và Gia Lâm, Hà Nội) tham gia nghiên cứu, có 30,3% bà mẹ mổ lấy thai, trong đó, 14% muốn mổ lấy thai để chọn được ngày, giờ sinh tốt cho đứa trẻ và 16,7% là do chịu sự tác động từ phía gia đình. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có thời điểm, mổ lấy thai chiếm tới 60% các ca sinh nở.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mổ lấy thai chỉ nên từ 5-10% nhằm tránh các tai biến cho mẹ và con. Yếu tố tâm linh là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến sản phụ chọn mổ đẻ thay cho sinh tự nhiên. Nhưng có thật ai sinh vào "ngày vàng, giờ vàng" cũng tốt hay không? Hậu quả của phương pháp mổ đẻ chủ động đã rõ, song vẫn có nhiều người lựa chọn phương pháp này chỉ vì muốn con sinh vào "giờ vàng".
Trẻ đẻ mổ chủ động hay gặp các bệnh lý rất nặng ở trẻ sơ sinh như dễ bị mắc các vấn đề về hô hấp sau sinh, việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, sự chuyển dạ của mẹ sẽ sản sinh ra nhiều hormone giúp trẻ đề kháng tốt. Những trẻ sinh mổ không trải qua quá trình này sẽ thiếu những hormone cần thiết nên thường yếu hơn những trẻ sinh thường.
Vì vậy, trước khi đề nghị chọn ngày, giờ sinh mổ, sản phụ cần tìm hiểu kỹ những lợi ích và tác hại của nó, lắng nghe tư vấn của bác sĩ. Để tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra do mổ đẻ chủ động, bố mẹ không nên lựa chọn phương thức đẻ này khi không có chỉ định mổ đẻ bắt buộc. Bác sĩ sẽ chỉ định cho sinh mổ trong trường hợp thai quá to, người mẹ có bệnh nhiễm khuẩn có thể gây lây nhiễm cho bé trong khi sinh thường hay dị tật về cơ thể, mang thai nhiều bé cùng một lúc, trẻ bị tràng hoa quấn cổ có nguy cơ tử vong, thai ngược…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/bao-dong-tinh-trang-chon-gio-vang-mo-lay-thai-i714094/