Báo động tình trạng gây tai nạn giao thông bỏ trốn
Hành vi bỏ trốn sau TNGT không chỉ đánh dấu sự xuống cấp về mặt đạo đức của người lái xe mà còn cho thấy thái độ bất chấp, coi thường pháp luật. Hành vi này cần được xã hội lên án và phải bị trừng trị bằng pháp luật.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 23g40 ngày 14-11, tại đường Hữu Hưng trước cây xăng T39 thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe máy Honda Wave do một nam thanh niên điều khiển chưa rõ BKS với hai xe máy BKS 29T1-559.68 và 29L1-683.32.
Sau khi xảy ra tai nạn, nam thanh niên điều khiển xe máy Honda Wave không rõ BKS đã bỏ trốn khỏi hiện trường; 3 người trên 2 xe máy còn lại bị thương nặng được đưa đi cấp cứu. Hiện CA quận Nam Từ Liêm yêu cầu lái xe bỏ trốn đến ngay CQCA trình báo vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tại Km 21+300 trên QL32 qua địa bàn thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Nội), cụ Trần Thị Q (SN 1948, ở thị trấn Phùng) bị một xe Innova lao với tốc độ cao tông trúng. Cụ Q tử vong tại chỗ, còn chiếc Innova bỏ chạy. Qua xác minh, CA huyện Đan Phượng đã về Yên Bái bắt giữ tài xế Phạm Thành Công (SN 1989, ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), người đã điều khiển ô tô Innova BKS 21A - 016.96 gây tai nạn.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích, sau một vụ TNGT, có thể xảy ra 3 tình huống. Thứ nhất, tài xế dừng lại, giữ nguyên hiện trường, thông báo cho cơ quan chức năng, phối hợp đưa nạn nhân đi cấp cứu, đây là việc làm đúng pháp luật, nhân văn. Trường hợp thứ hai, tài xế gây tai nạn bỏ xe lại và rời khỏi hiện trường, điều này được pháp luật cho phép. Còn hành vi lái xe tiếp tục điều khiển phương tiện bỏ trốn khỏi hiện trường thì vi phạm pháp luật và rất nguy hiểm.
“Khi gây tai nạn, lái xe điều khiển phương tiện bỏ trốn trong trạng thái tinh thần hoảng hốt, kích động dễ gây TNGT tiếp theo; làm sai lệch hiện trường, khiến nạn nhân mất cơ hội được cấp cứu ở “giờ vàng”; thậm chí quá trình bỏ trốn còn chèn, đè lên nạn nhân khiến thương tật nghiêm trọng hơn”, luật sư Nguyễn Hồng Thái cho hay.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an), một số tài xế sau khi gây tai nạn nghĩ rằng cứ chạy trốn được khỏi hiện trường là sẽ chối bỏ được trách nhiệm nhưng thực tế, với nghiệp vụ của lực lượng chức năng, hệ thống camera được bố trí khắp nơi, tài xế sẽ không thể trốn thoát.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cũng cho rằng cần có những chế tài rõ ràng và nghiêm khắc hơn nữa đối với hành vi gây TNGT rồi bỏ chạy. Quy định hiện hành cho phép người gây TNGT rời hiện trường vì lý do bị đe dọa tính mạng (sợ bị người thân nạn nhân, người dân bức xúc hành hung) nhưng phải trình báo với CQCA. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng là rời khỏi hiện trường tài xế được đi đâu, trong bao lâu.
“Ngoài ra, cần tăng nặng chế tài xử lý, chẳng hạn như tài xế gây tai nạn bỏ chạy phải bị tước GPLX vĩnh viễn, đồng thời xem xét cả quá trình đào tạo, cấp GPLX. Như vậy, những lái xe làm nghề kinh doanh vận tải vi phạm sẽ không còn cơ hội hành nghề, từ đó tự nâng cao ý thức, trách nhiệm khi lái xe”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật đề xuất.
Thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), từ đầu năm đến nay đã xảy ra 361 vụ TNGT mà người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường, không cấp cứu người bị nạn, làm chết 220 người, bị thương 78 người.
Hiện Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tước GPLX từ 5 - 7 tháng đối với người điều khiển ô tô và phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX từ 3 - 5 tháng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường, không cấp cứu người bị nạn sau TNGT. Còn Bộ luật Hình sự quy định, tùy theo tính chất, mức độ của vụ tai nạn gây ra, khi người điều khiển phương tiện gây tai nạn bỏ chạy có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-dong-tinh-trang-gay-tai-nan-giao-thong-bo-tron-217904.html