Báo động tình trạng tài xế sử dụng ma túy, nồng độ cồn khi lái xe
Việc liên tục phát hiện nhiều trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy, có nồng độ cồn cho thấy thực trạng đáng lên án và báo động.
Ngày 5/12, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) cho biết, trong 10 tháng năm 2023 lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã phát hiện trên 2.000 trường hợp lái xe sử dụng ma túy, hàng trăm nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
"Theo số liệu khảo sát của Bộ Công an, trên 50% số phạm nhân phạm tội vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia trước khi gây tai nạn. Đây là những con số rất đáng báo động và lo ngại", Cục Cảnh sát giao thông thông tin.
Chỉ tính riêng trong kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông kéo dài từ 15 -30/11 trên hai tuyến Quốc lộ 20 và Quốc lộ 1A (qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh), lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 142 tài xế sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, để thực hiện kế hoạch, đơn vị đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện 24/24h. Lực lượng Công an cũng sử dụng phương thức công khai kết hợp hóa trang; tuần tra kiểm soát cơ động kết hợp dừng kiểm soát tại 1 điểm để tài xế vi phạm không thể né tránh.
"Quá trình thực hiện kế hoạch, lực lượng chức năng còn phát hiện tài xế tàng trữ ma túy. Cụ thể, lực lượng chức năng đã phát hiện 142 trường hợp tài xế sử dụng chất ma túy khi điều khiển phương tiện. Trong đó, phát hiện, xử lý 32 tài xế xe tải, 28 tài xế xe con, 10 trường hợp tài xế xe container và 72 tài xế xe mô tô", đại diện Cục Cảnh sát giao thông thông tin.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông đánh giá, trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tài xế sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện, đây là cảnh báo rõ ràng nhất về nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt, với các tài xế điều khiển xe khách khi đi quãng đường dài, chở theo nhiều người, nếu tài xế sử dụng ma túy, nguy cơ mất an toàn càng cao.
"Các tài xế xe có trọng tải lớn hoặc tài xế ô tô khách sử dụng ma túy còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông thảm khốc", đại diện Cục Cảnh sát giao thông cảnh báo.
Từ lời khai của nhiều trường hợp vi phạm, cho thấy, nhiều lái xe nghiện ma túy từ trước, không có ý thức tuân thủ pháp luật, cố tình vi phạm; một số trường hợp là thanh thiếu niên do ăn chơi, đua đòi, thích tìm cảm giác mạnh nên sử dụng ma túy trước khi điều khiển xe; một số doanh nghiệp vận tải không thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát lái xe…
Lực lượng chức năng cho biết, sẽ tăng cường biện pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là hành vi người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn…
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp với công an khu vực, tổng rà soát các doanh nghiệp vận tải và lập danh sách, phân loại tìm ra số lái xe có biểu hiện sử dụng ma túy, sau đó tổ chức kiểm tra tại bãi xe hoặc trên tuyến.
Trong khi đó, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, phân tích trên hơn 11.000 vụ tai nạn giao thông trong năm 2022, có đến 0,03% số vụ nguyên nhân do tài xế sử dụng ma túy, chất gây nghiện, tức có khoảng hơn 330 vụ. TS. Nguyễn Minh Hiếu - Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, nguyên nhân có thể do áp lực công việc lớn, cường độ làm việc liên tục khiến một số tài xế tìm đến các chất kích thích để có cảm giác tỉnh táo. Ngoài ra còn do lực lượng chức năng chỉ có thể kiểm tra đột xuất và ngẫu nhiên, trong khi các doanh nghiệp lại không rốt ráo trong việc này.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, vấn đề khám sức khỏe của tài xế hiện đang được thực hiện ở khâu làm hồ sơ thi giấy phép lái xe, trong lúc thi tuyển vào các doanh nghiệp. Ngoài ra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải còn phải thực hiện kiểm tra sức khỏe lái xe định kỳ theo quy định, bao gồm cả việc kiểm tra chất ma túy.
Đối với các doanh nghiệp có lượng xe lớn, thường họ sẽ chủ động mời các cơ sở y tế có chức năng kiểm tra sức khỏe lái xe về trực tiếp kiểm tra tại doanh nghiệp.
Trong khi đó, những doanh nghiệp nhỏ hay hộ kinh doanh chỉ có 1- 2 lái xe thường sẽ giao cho tài xế tự liên hệ với các cơ sở y tế để được cấp cho giấy chứng nhận sức khỏe.
"Điều này dấy lên câu hỏi liệu tình hình khám và cấp giấy có thực chất hay không? Nhiều doanh nghiệp tiếp nhận lái xe nhưng không thể kiểm chứng giấy chứng nhận sức khỏe trong hồ sơ xin việc", ông Quyền nhìn nhận.
Theo đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Bộ Y tế cần công bố công khai danh sách các cơ sở y tế có thẩm quyền khám, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe lái xe.
Đồng thời, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu để cập nhật thông tin khám sức khỏe của tài xế để phối hợp với doanh nghiệp quản lý lái xe, kịp thời sa thải nếu phát hiện sử dụng ma túy, chấn chỉnh đội ngũ tài xế trong công ty và loại trừ khi tuyển chọn mới.