Báo động tình trạng thanh thiếu niên tham gia giao thông không an toàn, gây rối trật tự công cộng
Theo Bộ Công an, hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến. Những hành vi tụ tập sử dụng xe mô tô, gắn máy phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, không đội mũ bảo hiểm,… đều tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, mất trật tự an toàn giao thông.
Bắt nhóm thanh thiếu niên đua xe lạng lách, thách thức công an tại Quảng Ninh
Theo Cục Cảnh sát giao thông, những năm trở lại đây, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông đang diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hầu hết độ tuổi những đối tượng vi phạm tập trung từ 16 đến dưới 18 tuổi. Thực trạng trên đang là mối lo của toàn xã hội và gia đình trong việc quản lý, giáo dục thanh thiếu niên.
Đặc biệt là tình trạng một số nhóm thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi sử dụng xe mô tô, xe máy của gia đình, người thân, anh em, bạn bè tụ tập thành đoàn: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, nẹt pô, gây mất an ninh trật tự, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Đáng chú ý là đa số các đối tượng này chưa có giấy phép lái xe.
Ngày 6/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đơn vị đang thụ lý điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại đường Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long).
Trước đó, khoảng 20 giờ 30 ngày 17/10, Bùi Tài Anh (16 tuổi) cùng Nguyễn Minh Sơn; Nguyễn Quốc Toàn; Đỗ Quốc Tuấn; Bùi Duy Anh; Đào Huy Hoàng; Lê Phương Thảo và Phạm Bảo Hân (cùng 15 tuổi, trú tại thành phố Hạ Long) ngồi uống nước tại khu vực dốc cai nghiện (phường Yết Kiêu, Hạ Long).
Cả nhóm cùng rủ nhau phóng nhanh, lạng lách, đánh võng và thống nhất nếu gặp Cảnh sát Giao thông tuần tra thì điều khiển xe bỏ chạy.
Sau đó, cả nhóm đi từ phường Yết Kiêu theo đường bao biển xuống đường bao biển cột 5, đến đoạn đường đầu cầu Bài Thơ thì gặp Đinh Nguyễn Ngọc Nhạn điều khiển xe chở Trần Tuấn Anh (cùng 14 tuổi, trú tại Hạ Long).
Cả nhóm điều khiển xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng đến đoạn đường Quảng trường 30/10 thì thấy chốt Cảnh sát Giao thông đang làm việc bên phải đường liền điều khiển xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng bỏ chạy.
Bỏ chạy được khoảng 200-300m, Bùi Tài Anh rủ cả nhóm quay xe lại đi về hướng Công viên Lán Bè với mục đích trêu lực lượng chức năng.
Khi cả nhóm đến gần chốt làm việc của Cảnh sát Giao thông thì Bùi Tài Anh, Trần Tuấn Anh hô “phóng đi, phóng đi” và Đinh Nguyễn Ngọc Nhạn hô to thách thức lực lượng chức năng đuổi theo, rồi điều khiển xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, bấm còi inh ỏi trên đường đi qua chốt Cảnh sát Giao thông về hướng Vincom.
Tiếp đó, 21 giờ 20 ngày 20/10, Bùi Tài Anh điều khiển xe máy đi lượn lờ trên đường. Khi đi đến đoạn đường Trần Quốc Nghiễn, do không đội mũ bảo hiểm, Bùi Tài Anh bị Cảnh sát Giao thông phát hiện, kiểm tra. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 1 gậy 3 khúc làm bằng kim loại, chiều dài 62cm trong tay áo bên trái của thiếu niên này.
Tại cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bùi Tài Anh, Nguyễn Minh Sơn; Nguyễn Quốc Toàn; Đỗ Quốc Tuấn; Bùi Duy Anh; Đào Huy Hoàng; Lê Phương Thảo; Phạm Bảo Hân, Trần Tuấn Anh và Đinh Nguyễn Ngọc Nhạn đã thừa nhận hành vi của mình.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hạ Long xác định hành vi của nhóm đối tượng trên gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can đối với Bùi Tài Anh về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật với người dưới 18 tuổi như sau: Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên.
Theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, tùy thuộc vào hành vi gây rối trật tự công cộng, người dưới 18 tuổi sẽ bị xử phạt hành chính từ 150.000 đồng đến 2.500.000 đồng.
Ngoài ra, còn có thể áp dụng hình thức phạt cảnh cáo và các biện pháp khắc phục hậu quả đối với người dưới 18 tuổi gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc, phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
Nêu cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường đối với học sinh, thanh thiếu niên tham gia giao thông
Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng vẫn luôn là vấn đề gây bức xúc cho người dân. Mặc dù lực lượng Công an nói chung, Cảnh sát giao thông nói riêng đã có nhiều nỗ lực trấn áp nhưng tình trạng này vẫn xảy ra với nhiều biến tướng phức tạp.
Đối tượng tham gia lạng lách, đánh võng, tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng không chỉ đùa giỡn với tính mạng của bản thân mà những hành vi của họ còn gây nguy hiểm cho người đi đường, gây rối trật tự công cộng. Hậu quả của nó bên cạnh để lại gánh nặng không nhỏ cho xã hội, còn là mối nguy hiểm rình rập với tình hình trật tự an toàn giao thông trên các địa bàn.
Theo Bộ Công an, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến là việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn chưa hiệu quả, một bộ phận còn thiếu trách nhiệm dẫn đến khi học sinh ra khỏi nhà thì gia đình xem là việc của xã hội, của nhà trường; khi học sinh ra khỏi trường thì nhà trường xem là việc của xã hội, của gia đình.
Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chung chung, hình thức chưa thực sự tác động hiệu quả đến đối tượng đặc thù là học sinh.
Một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái (qua thống kê, hơn 71% vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh là do điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối, đây là hệ quả của việc cha mẹ giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định). Chưa nêu gương trong chấp hành nghiêm các quy định về trật tự, an toàn giao thông khi tham gia giao thông, nhất là trong khi chở con em mình trên xe (như chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia khi lái xe...) dẫn tới làm ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức và hành vi của các em.
Ngoài ra, việc xử lý vi phạm khi phát hiện hành vi vi phạm với học sinh còn gặp khó khăn, do công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với nhà trường (chưa có các quy định rõ ràng về đầu mối tiếp nhận thông tin vi phạm trật tự, an toàn giao thông của học sinh đối với nhà trường, quy trình xử lý trong nhà trường, chuyển thông tin cho gia đình cùng giáo dục, trách nhiệm của gia đình...).
Một nguyên nhân khác là mặt trái của internet và các trang mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của giới trẻ hiện nay, trong khi đó nhiều người trưởng thành, thậm chí người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội có những hành vi không chuẩn mực, quay clip đua xe, bốc đầu, đánh võng đăng tải lên mạng xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng rất không tốt đến giới trẻ.
Ngày 19/10/2022, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo, lực lượng Công an đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh tại 18 nghìn cơ sở giáo dục với 9 triệu lượt học sinh tham gia; tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đối với 18 nghìn cơ sở giáo dục, với hơn 8 triệu học sinh, phụ huynh thực hiện ký cam kết.
Tuy nhiên, theo Cục Cảnh sát giao thông, để nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, yếu tố gia đình là điều cơ bản hàng đầu trong công tác quản lý trước khi các em bước ra ngoài xã hội. Nếu có sự quản lý tốt từ phía gia đình thì những hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông hoặc xa hơn nữa là các hành vi vi phạm về hình sự sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.
Cảnh sát giao thông cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh có con em trong độ tuổi thanh, thiếu niên cần quan tâm, theo sát con em trong quá trình chăm sóc, quản lý, giáo dục để kịp thời phát hiện nếu con em mình có các biểu hiện sử dụng xe độ, đi chơi đêm, tham gia các nhóm tụ tập, tổ chức chạy xe tốc độ cao, nẹt pô, biểu diễn, hướng cho các em tham gia các môn thể thao, sân chơi lành mạnh, nâng cao hiểu biết về pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhận thức về hậu quả, hệ lụy của việc tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Theo thông tin từ Bộ Công an, trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông (chiếm 2,31% tổng xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông toàn quốc). Trong đó lỗi vi phạm chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59%; không có giấy phép lái xe chiếm 7,38%; không đội mũ bảo hiểm chiếm 42,9%; có cả lỗi học sinh vi phạm nồng độ cồn, ma túy…
Ngoài ra, lực lượng Công an còn làm rõ 3 vụ đua xe trái phép, tạm giữ 57 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, 51 xe mô tô; 201 vụ tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự công cộng, tạm giữ 395 đối tượng trong lứa tuổi học sinh và 537 mô tô vi phạm.
Xảy ra 16 vụ chống người thi hành công vụ, đã bắt giữ 16 đối tượng trong lứa tuổi học sinh bàn giao cho cơ quan điều tra xử lý.
Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi dưới 18 tuổi (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc). Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc đang đi bộ bị tai nạn, làm chết 378 người, bị thương 658 người.