Báo động tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra một số vụ việc phạm tội và vi phạm pháp luật do các nhóm đối tượng trong độ tuổi học sinh THCS, THPT gây ra. Trong đó, các hành vi vi phạm pháp luật của các nhóm đối tượng này chủ yếu là cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, mua bán trái phép chất ma túy, điều khiển phương tiện giao thông tốc độ cao, nẹt bô, lạng lách đánh võng.
Có thể kể ra một số vụ việc nổi cộm xảy ra trong thời gian gần đây, như: Vụ việc nhóm 11 học sinh ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) gây hấn, rượt đuổi, chém nhóm 4 học sinh khác ở huyện Quảng Trạch dẫn đến tai nạn giao thông, làm chết 2 người, bị thương 1 người. Hoặc như vụ việc nhóm 8 học sinh ở xã Lương Ninh và thị trấn Quán Hàu (H. Quảng Ninh, Quảng Bình) điều khiển xe máy, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng hung khí rượt đuổi nhóm 3 học sinh ở xã Vĩnh Ninh, đập phá hư hỏng 1 xe máy. Hay như vụ 2 nhóm học sinh lớp 7 và lớp 8 ở xã Nhân Trạch vì mâu thuẫn cá nhân mà đánh nhau, làm 1 học sinh thương tích nặng phải cấp cứu…
Trước tình hình trên, lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra, khám phá, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố 3 đối tượng trong vụ án: “Giết người”, “Gây rối trật tự công cộng” tại huyện Bố Trạch và đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Các vụ việc xảy ra liên tục trong thời gian ngắn, số lượng các nhóm tương đối đông, thậm chí đến vài chục người, gây phức tạp về ANTT, bức xúc trong nhân dân. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục, quản lý con em mình, lứa tuổi bắt đầu trưởng thành. Bởi lứa tuổi này dễ sa đà, thâm nhiễm thói hư tật xấu; nhất là việc tiếp cận với các luồng thông tin xấu, độc, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội. Do đó, nếu không có sự định hướng, quản lý chặt của gia đình, nhà trường thì giới trẻ sẽ tiêm nhiễm những suy nghĩ, hành vi và hình thành nhân cách sống lệch lạc.
Vì vậy bên cạnh ý thức tự rèn luyện, tự học, xây dựng lối sống, đạo đức trong sáng của bản thân của mỗi thanh thiếu niên, cần phải có sự quan tâm chăm sóc, quản lý, định hướng của cha mẹ, gia đình, sự quản lý, giáo dục của nhà trường, sự hỗ trợ của bạn bè. Đặc biệt, chính quyền các cấp, nhất là thôn, xã phải tăng cường quản lý, tuyên truyền vận động, răn đe, tập trung vào số học sinh cá biệt, thường xuyên vi phạm, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức ký cam kết đối với học sinh, gia đình và nhà trường trong việc chấp hành các quy định, quản lý, giáo dục các cháu.
Các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, an ninh mạng, kiểm duyệt, kiểm soát và xử lý kịp thời các thông tin xấu, độc, tiêu cực trên môi trường mạng; tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm xấu, tạo “môi trường sống” trong lành cho các cháu học tập, rèn luyện và trưởng thành.