Báo động tình trạng trồng cây cần sa lẫn trong đất rẫy
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nguyên liên tiếp phát hiện nhiều diện tích cây cần sa được trồng xen lẫn trong đất rẫy của người dân. Mặc dù biết đây một loại ma túy bị cấm tàng trữ, sản xuất và sử dụng nhưng một số 'đầu nậu' lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân đã mang cần sa vào lôi kéo, dụ dỗ trồng trái phép khiến cho việc kiểm soát loại cây này đang gặp nhiều khó khăn...
Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn 2 tỉnh này đã phát hiện hàng chục vụ trồng, sản xuất và tiêu thụ cây cần sa trái phép. Qua đó, đã tiến hành nhổ, tiêu hủy hơn 7.500 cây cần sa tươi, 1.600 bịch ươm giống và hàng chục kilôgam cần sa khô. Qua đó, đã tiến hành khởi tố điều tra hàng chục đối tượng về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất cần sa…
Qua thực tế trên cho thấy, tình trạng trồng cây cần sa trái phép trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang diễn biến khá phức tạp, nhất là một số người dân, mặc dù biết là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố tình trồng và tiêu thụ loại cây này.
Điển hình, ngày 12-5-2020, Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp cùng Công an xã Ea Hồ tiến hành kiểm tra khu rẫy của gia đình bà Bùi Thị Loan (48 tuổi) và ông Bùi Thái Phong (37 tuổi, là chị em ruột, cùng trú tại thôn Trường Hà, xã Ea Hồ) phát hiện trong rẫy của bà Loan có trồng 442 cây cần sa, còn khu rẫy của ông Phong trồng 139 cây cần sa có chiều cao từ 8cm đến 2,5m.
Điều đáng nói là qua kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện trên đất rẫy của 2 hộ gia đình này đã trồng và thu hoạch nhiều lứa cây cần sa. Bên cạnh đó, hàng trăm cây cần sa non được ươm giống cẩn thận chuẩn bị đem đi trồng. Qua đấu tranh, 2 chị em bà Loan cho biết, được một người đàn ông (không rõ danh tính) ở TP Buôn Ma Thuột cho hạt giống về trồng để “chữa bệnh cho gà”.
Mới đây nhất, vào chiều 9-6, qua kiểm tra địa bàn, Công an xã Cư Né, huyện Krông Búk phối hợp cùng với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện đã phát hiện tại rẫy cà phê của 2 anh em sinh đôi là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Mạnh (31 tuổi, cùng trú tại thôn Ea Siếk, xã Cư Né) trồng 241 cây cần sa xe kẽ trong rẫy cà phê có chiều cao từ 30-170cm.
Theo lời khai của Mạnh và Minh, vào khoảng đầu tháng 2-2020, Mạnh lên khu vực chợ xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột chơi thì gặp một người phụ nữ (không rõ lai lịch), giới thiệu cho một loại cây trồng có thể chống được bệnh tật cho gà nên Mạnh đã mua loại hạt giống này về trồng trong rẫy của mình để “chữa bệnh cho gà”, chứ không biết đó là cây cần sa.
Thượng tá Hồ Tùng Diễn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Đắk Lắk cho biết, có một đặc điểm chung trong các vụ trồng cần sa được phát hiện là do tâm lý hám lợi của người dân. Trong đó, có một số người dân có rẫy ở những nơi xa xôi hẻo lánh, ít người qua lại đã bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo trồng cần sa cho chúng. Tuy nhiên, khi bị bắt hầu như các đối tượng lại cho rằng không biết đó là cây cần sa.
Đắk Lắk không phải là địa bàn trọng điểm về ma túy. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng đối tượng nghiện hút trên địa bàn lại có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn. Do vậy, vì hám lợi nhiều người dân sẵn sàng vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, cây cần sa được các đối tượng trồng hàng năm trời trong rẫy nhưng vẫn không bị phát hiện là do chính người dân sống xung quanh cũng không biết cây cần sa là gì. Trong khi đó, các chủ rẫy lại cho rằng đó là cây “thuốc quý” vì bề ngoài của cây cần sa giống như cây Thanh Hao (một loại cây thuốc trong y học) nên bà con khó mà phân biệt được.
Bên cạnh đó, việc một số nơi, chính quyền cơ sở ở thôn, bon chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này, còn có thái độ chủ quan, không đề phòng khiến cho một số đối tượng là “đầu nậu” lợi dụng, dụ dỗ những người dân kém hiểu biết làm đầu mối sản xuất cho chúng.
“Hiện nay, việc xử phạt hành chính người trồng là không đủ sức răn đe, trong khi đó các “đầu nậu” chủ mưu lại đứng trong “bóng tối” nên để ngăn chặn triệt để người dân trồng loại cây này rất khó khăn. Ngoài ra, vì lợi nhuận mang lại quá cao, một số hộ dân đã bất chấp, lợi dụng khe hở của pháp luật để mong làm giàu bất chính ”, Thượng tá Diễn cho biết thêm.
Vì vậy, để phát hiện và ngăn chặn loại hình tội phạm này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tích cực đến đông đảo người dân, các cấp chính quyền cơ sở, làm sao để họ nhận biết được cây cần sa hoặc các loại cây gây nghiện khác. Chính nhân dân sẽ là mạng lưới thông tin quan trọng để phát hiện bọn tội phạm.
Thêm vào đó, các cán bộ chính quyền, Công an cơ sở phải đề cao cảnh giác với các vườn cây lạ, các vườn cây thuốc, thậm chí là các căn nhà bỏ hoang. Nhất là đối với người dân, khi phát hiện bất thường của người lạ dụ dỗ trồng các loại cây lạ cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý, ngăn chặn ngay từ đầu.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/bao-dong-tinh-trang-trong-cay-can-sa-lan-trong-dat-ray-599277/