Báo động từ việc Derby County phá sản

Thông tin gây chấn động cho cổ động viên khi Derby County, một trong 12 đội bóng đặt viên gạch xây dựng Liên đoàn Bóng đá Anh (FA), đã phá sản.

Cuối tuần qua, Derby County ăn mừng chiến thắng 2-1 trước Stoke City trong tâm trạng rối bời. Chẳng ai ở đội bóng không cảm thấy âu lo, kể cả HLV Wayne Rooney, người đã trải qua quá nhiều thăng trầm trong sự nghiệp. Dù lo lắng đến thế nào đi nữa, tất cả đều hiểu bản thân mình không thể cứu vãn được tên tuổi lớn một thời của bóng đá Anh.

Derby County tuyên bố phá sản và sẽ bị trừ 12 điểm trên bảng xếp hạng Championship, đồng nghĩa giờ đây họ sẽ tiếp tục vòng đấu thứ 9 với số điểm -2. Mọi thứ sẽ còn bi đát hơn nếu Derby bị điều tra và xác nhận họ vi phạm các quy tắc tài chính. Khi ấy, The Rams sẽ bị trừ thêm 9 điểm, đồng nghĩa suất xuống League One coi như thuộc về họ.

 Derby thắng 2-1 trước Stoke City. Ảnh: DCFC.

Derby thắng 2-1 trước Stoke City. Ảnh: DCFC.

Bi kịch được báo trước

Mùa hè 2019, các cầu thủ Derby County dưới sự dẫn dắt của Frank Lampard đã bước vào trận chung kết tranh suất lên hạng Premier League với Aston Villa.

Những con người ngày ấy của họ thực sự tuyệt vời. Ngoài huyền thoại bóng đá trên băng ghế chỉ đạo, CLB còn có Mason Mount, người bây giờ đang là tài năng trẻ sáng giá của Chelsea, Harry Wilson, tuyển thủ quốc gia xứ Wales và Fikayo Tomori, trung vệ hàng đầu của AC Milan hiện tại. Nhưng Derby đã thua 0-1 trước Aston Villa của Jack Grealish, cầu thủ mà 2 năm sau đó trở thành bản hợp đồng lớn nhất của bóng đá Anh. Và đó thực sự là vết đâm chí mạng.

Sau khi thất bại trong việc thăng hạng, Frank Lampard đã rời khỏi Derby để trở lại Chelsea, bắt đầu cuộc phiêu lưu mới. Cùng đi với anh còn có Mount và Tomori, những người đã chơi hay ở mùa giải năm ấy. Philipp Cocu, cái tên cũng nổi tiếng khác, được chỉ định thay thế Lampard và quá trình đi xuống của Derby cũng bắt đầu từ đây.

Mùa giải thành công trước đó đã khiến Chủ tịch Mel Morris mờ mắt. Ông tin tưởng nếu đội hình được đầu tư thêm, ước mơ trở lại Premier League sẽ thành hiện thực. Để chiều lòng Cocu, Morris đã mang về vài cái tên khá nổi bật, trong đó tiền vệ Krystian Bielik là tân binh đắt giá nhất chuyển đến từ Arsenal với mức phí khoảng 7,5 triệu bảng.

Thế nhưng, sự đầu tư đã không sinh lời. Bielik không tạo được dấu ấn gì ở Derby. Cho đến giờ sau 2 mùa giải, anh thi đấu 34 trận và rõ ràng không xứng đáng với số tiền mà Mel Morris bỏ ra.

Bên cạnh đó, Cocu cũng không thể chứng tỏ khả năng lãnh đạo. Dù được chủ tịch và ban giám đốc tin tưởng, HLV người Hà Lan vẫn thất bại trong việc đưa Derby County giành quyền thăng hạng. Thậm chí, ông làm đội bóng xấu đi. Sau mùa giải đầy thăng hoa với Frank Lampard, Derby County quay trở về vị trí cũ, nghĩa là ở giữa bảng Championship.

Lúc này, Derby County bắt đầu có dấu hiệu xấu về mặt tài chính. Dịch Covid-19 đã làm đội bóng thất thu nghiêm trọng, đặc biệt là từ vé xem trận đấu khi cả mùa giải phải chơi trong sân vận động không khán giả. Khác với những đội bóng Ngoại hạng Anh, các đội hạng dưới thường chỉ có nguồn thu chính từ vé vào sân. Bản quyền truyền hình không thể đủ để trang trải cho các chi phí hàng tháng.

 Chủ tịch Mel Morris quản lý tài chính yếu kém. Ảnh: Getty Images.

Chủ tịch Mel Morris quản lý tài chính yếu kém. Ảnh: Getty Images.

Nhưng chưa hết, việc chiêu mộ ồ ạt cầu thủ ở mùa hè 2020 đã kéo Derby xuống sâu hơn nữa. Khi đem về hơn 10 tân binh trong mùa hè, Mel Morris không ngờ ông đã phá nát cấu trúc của đội bóng. Kết quả là Derby County đá 11 trận mà chỉ kiếm 6 điểm và Cocu bị sa thải. Morris chỉ định Wayne Rooney thay thế và các học trò, dưới sự chỉ đạo của cựu ngôi sao MU, đã căng mình ra để rồi chỉ trụ hạng ở vòng đấu cuối cùng.

Tất cả, từ việc mua sắm cầu thủ bừa bãi đến quản lý tài chính yếu kém đã khiến Derby County bắt đầu chao đảo. Đó là lúc Mel Morris tính đường rời khỏi CLB, báo hiệu “cái chết” của đội bóng từng một thời vang tiếng.

Câu lạc bộ trị giá một bảng

Sau khi mùa giải trước kết thúc, Chủ tịch Mel Morris tính đường “bán xới”. Ông lập tức liên hệ với nhiều nhà đầu tư tiềm năng để bán lại Derby County. Song những tin đồn lập tức loan ra: Derby đang nợ và nợ rất nhiều tiền. Cụ thể, họ đã sa thải Philipp Cocu mà chưa hề bồi thường cho ông. Con số bồi thường cho vị HLV người Hà Lan và các cộng sự được cho là khoảng 10 triệu bảng.

Thêm vào đó, Richard Keogh, người bị đuổi khỏi đội vào cuối năm 2019, cũng nộp đơn khởi kiện đòi Derby phải trả cho anh 2,3 triệu bảng. Đơn kiện của Keogh được tòa án chấp thuận và Derby lại có thêm món nợ nữa.

Bức tranh tài chính tệ hại ấy đã khiến các nhà đầu tư chùn bước ngay cả khi Mel Morris sẵn sàng bán Derby với giá một bảng. Số nợ của CLB lúc này lên tới hơn 60 triệu bảng và thậm chí, nhiều người tin nếu kiểm toán vào cuộc, con số còn có thể lớn hơn thế.

Khoản nợ này được gộp từ việc phải bồi thường cho Cocu và Keogh, cộng với các khoản vay tổng cộng hơn 40 triệu bảng khác. Derby đã giấu các bản báo cáo tài chính suốt 2 năm qua và mọi vụ mua bán cầu thủ đều không công khai giá trị. Điều này khiến EFL nóng mặt và đe dọa sẽ trừ điểm nếu CLB tiếp tục vi phạm các quy tắc tài chính.

Chính vì số nợ khổng lồ với đội bóng Championship mà Mel Morris không thể tìm ra người cáng đáng Derby thay ông. Không ai muốn đầu tư vào CLB đang nợ nhiều như thế và gần như không có kế hoạch doanh thu đáng kể trong khi mùa giải mới đang cận kề.

Một số ý kiến cho rằng Derby nên bàn giao quyền quản lý cho chính quyền để giãn bớt nợ. Kể cả trong trường hợp ấy, số nợ của họ cũng chỉ giảm một phần rất nhỏ, dưới 10 triệu bảng, và vẫn không thể thay đổi được tình hình. Một số ý kiến khác còn mạnh mẽ hơn, cho rằng kể cả khi rời khỏi Derby, Mel Morris vẫn phải chịu trách nhiệm về khả năng quản lý yếu kém của ông và phải thanh toán ít nhất một nửa số nợ hiện tại. Tất nhiên, vị chủ tịch của Derby còn lâu mới làm thế.

Hy vọng cuối cùng của Morris và cả các thành viên của Derby là từ doanh nhân người Tây Ban Nha Erik Alonso. Sau nhiều ngày đàm phán, Alonso đồng ý trả 5 triệu bảng để mua đứt Derby, đồng thời hứa hẹn thanh toán sạch sẽ các khoản nợ.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang. EFL không cho phép thương vụ mua bán được diễn ra khi Derby đã vi phạm nguyên tắc và không chấp nhận minh bạch tài chính. Một lần nữa, Derby rơi vào hỗn loạn và cuối cùng, như chúng ta đã biết, họ tuyên bố phá sản và trao lại quyền quản lý cho chính quyền địa phương.

 Chuỗi ngày đen tối của Derby. Ảnh: DCFC.

Chuỗi ngày đen tối của Derby. Ảnh: DCFC.

Bài học cho các đội bóng

Việc Derby phá sản và đứng trước nguy cơ tụt hạng League One cho thấy hiện nay, rất nhiều đội bóng rất dễ bị tổn thương về mặt tài chính, đặc biệt là những đội ở mức trung bình. Khác với Premier League, nơi các CLB được nuôi sống bởi số tiền khổng lồ từ bản quyền truyền hình, các đội bóng hạng dưới đều phải vật vã kiếm tìm nguồn thu mỗi tháng.

Tất cả đều có tham vọng được lên chơi ở Premier League để đổi đời. Nhưng nếu vung tiền không tính toán như Derby, một ngày nào đó, họ sẽ phải trả giá. Khi mua một “ngôi sao” (tạm gọi như vậy với những cầu thủ chất lượng khá ở Championship trở xuống), đi kèm với đó luôn là mức lương không hề dễ chịu. Đội bóng thăng hạng thì không sao, nhưng nếu thất bại, đó sẽ là thảm họa.

Trong lịch sử bóng đá, không ít đội vì vung tiền mua sắm đã dẫn đến kiệt quệ về mặt tài chính. Ở Italy, không ai có thể quên hai đội bóng từng nằm trong nhóm “7 chị em” là Parma và Fiorentina bị phá sản và buộc phải đổi tên rồi bắt đầu lại từ hạng dưới.

Ngay cả bóng đá Anh cũng không hiếm những trường hợp như vậy. Leeds United, CLB từng vào tới bán kết Champions League, đã bất chấp tất cả chạy đua với những đại gia để mang về các ngôi sao nhằm phục vụ cho tham vọng vô địch. Cuối cùng, họ rớt hạng và mang theo món nợ khổng lồ.

Khi Derby County buộc phải thông báo phá sản, Mel Morris đã phân trần dịch Covid-19 làm hỏng các kế hoạch kinh doanh của Derby và khiến CLB mất 20 triệu bảng. Nhưng đó chỉ là lời bao biện của ông bởi không thiếu những đội bóng đã tìm cách vượt qua được khủng hoảng. Brentford là ví dụ. CLB thành London có xuất phát điểm còn thấp hơn Derby rất nhiều. Song họ đã tìm ra được lối đi riêng mình và chậm mà chắc, tiến lên Ngoại hạng Anh khi luôn thu nhiều hơn chi.

Derby County không may mắn như Brentford khi thiếu ông chủ tầm cỡ và đầy tâm huyết như Matthew Benham dù có những sự giúp đỡ đầu tiên được thực hiện. Trong trận đấu với Norwich City ở League Cup, HLV Klopp đã tung Kaide Gordon ra sân ngay từ đầu với mục đích giúp Derby County nhận được ngay 100.000 bảng tiền thưởng theo hợp đồng nhưng chừng ấy vẫn là chưa đủ. CLB đứng trước tương lai tăm tối và đó thực sự là bài học để mọi đội bóng ở tình cảnh như Derby soi vào trước khi quá muộn.

Highlights Derby - MU: Đội của Rooney thua 1-2 Derby County chơi nỗ lực, nhưng vẫn phải nhận thất bại 1-2 trước MU ở trận giao hữu tối 18/7 (giờ Hà Nội).

Vũ Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-dong-tu-viec-derby-county-pha-san-post1265263.html