Báo động vấn nạn... điện tặc
Mức độ tinh vi, số lượng vi phạm trộm cắp điện của các đối tượng ngày càng gia tăng...
Gia tăng vi phạm
Thời gian gần đây, số lượng các vụ việc liên quan đến vi phạm điện nói chung và vấn nạn trộm cắp điện nói riêng đang có xu hướng gia tăng ở khu vực miền Trung, đặc biệt tại TP. Đà Nẵng. Điều đáng nói, bên cạnh gia tăng về số lượng thì sản lượng điện bị đánh cắp cũng tăng lên. Trong khi đó, việc xử lý các đối tượng điện tặc lại đang đặt ra những thách thức đối với cơ quan chức năng...
Mới đây, tổ kiểm tra giám sát mua bán điện thuộc điện lực quận Cẩm Lệ, đã tiếp cận hiện trường, lập biên bản và xử lý hành vi trộm cắp điện của ông N.V.T, trú tại phường Khuê Trung. Trước đó, qua nhiều lần theo dõi cơ quan chức năng phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Cụ thể, trong khi khách hàng vẫn sử dụng điện và sinh hoạt bình thường vào ban ngày lẫn ban đêm, song công tơ lại không phát sinh sản lượng. Ngay sau đó, điện lực quận Cẩm Lệ đã phát hiện công tơ đặt trong nhà và khách hàng có hành vi sử dụng sợi dây đồng câu tắt từ dây pha cáp nguồn qua aptomat sau công tơ để sử dụng điện vào mục đích sinh hoạt gia đình không qua hệ thống đồng hồ.
Cũng trên địa bàn quận Cẩm Lệ, điện lực Đà Nẵng đã phát hiện thêm 1 vụ trộm cắp điện khác để sử dụng cho mục đích kinh doanh. Theo đó, tại cơ sở kinh doanh của bà N.T.T.T, lực lượng chức năng phát hiện gia đình đã tự ý mổ cáp đấu nối trực tiếp vào lưới không thông qua hệ thống đo đếm để sử dụng điện phục vụ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngay sau khi phát hiện, kiểm tra viên điện lực đã lập biên bản vi phạm, tính toán bồi thường 2 vụ trộm cắp điện trên với sản lượng lần lượt 10.001 kWh và 10.664 kWh.
Trước đó, điện lực quận Hải Châu cũng đã phát hiện ông H.T.K đang thực hiện hành vi trộm cắp điện thông qua việc đấu dây trực tiếp vào tủ điện. Đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính, thu tang vật của vụ việc. Đặc biệt, trên địa bàn quận Hải Châu, điện lực Hải Châu đã phát hiện và xử lý hành vi trộm cắp điện của khách hàng M.K.H. trú tại K147 đường Nguyễn Tri Phương, truy thu sản lượng điện bị thất thoát là 10.447 kWh. Trước đó, khách hàng M.K.H. đã tự ý mổ sợi dây cáp cấp nguồn cho công tơ. Sau đó đi âm tường từ ngoài hiên vào trong nhà qua cầu dao 2 chiều để sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt mà không qua đo đếm. Tại hiện trường, điện lực Hải Châu đã thu giữ tang vật là cầu dao 2 chiều, lập biên bản kiểm tra sử dụng điện và biên bản vi phạm hành chính với số tiền phải bồi thường gần 34 triệu đồng...
Ngoài số vụ việc nêu trên, chỉ trong một thời gian ngắn trên địa bàn TP. Đà Nẵng các cơ quan chức năng còn liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc trộm điện khác ở quận Sơn Trà, Liên Chiểu... Điều đáng nói, ngoài cá nhân tham gia, các vụ việc liên quan đến vi phạm điện nói chung và vấn nạn trộm cắp điện nói riêng còn có sự tham gia của doanh nghiệp, để lại nhiều hệ lụy, đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra các sự cố về điện.
Cần chế tài xử phạt đủ mạnh
Theo ông Trần Nguyễn Bảo An - Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc trộm cắp điện là do ham lợi, nhằm giảm bớt hoặc không phải trả tiền điện. Bên cạnh đó, một phần cũng do nhận thức và trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, không ý thức được việc trộm cắp điện là vi phạm pháp luật và rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến chạm chập, điện giật, cháy nổ do phóng điện vào các vật liệu dễ cháy nổ. Trong khi đó, các hình thức, thủ đoạn lấy cắp điện chủ yếu của các đối tượng chủ yếu là đấu nối trước công tơ: Mổ cáp chôn ngầm trước công tơ; đấu nối trực tiếp lên lưới điện của ngành điện; đấu nối vào thùng công tơ đặt tại trụ; hoặc sử dụng nam châm can thiệp vào công tơ làm sai lệch đo đếm.
Bên cạnh, một số trường hợp khách hàng tự ý di dời công tơ, cố tình gây cản trở trong công tác kiểm tra sử dụng điện gây khó khăn cho công tác phát hiện hành vi trộm cắp điện. Đấu tranh ngăn chặn vấn nạn này, điện lực Đà Nẵng đưa vào sử dụng công tơ có khả năng phát hiện các hành vi gian lận trong sử dụng điện và ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin để phát hiện các hình thức trộm cắp điện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân ý thức được việc trộm cắp điện nói riêng và vi phạm sử dụng điện nói chung là vi phạm pháp luật. Từ đó, vận động người dân cùng tham gia tố giác, phòng chống trộm cắp điện. Được biết, điện lực Đà Nẵng đã duy trì chế độ thưởng “nóng” 1 triệu đồng/1 vụ trộm cắp điện cho tập thể, cá nhân phát hiện, tố giác hành vi gian lận trong sử dụng điện; ngoài ra khuyến khích các đơn vị tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm sử dụng điện bằng điểm thưởng thi đua.
Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp song vấn nạn trộm cắp điện vẫn gia tăng ở Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác. Trong đó, xuất phát chủ yếu từ việc các chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe các đối tượng. Cụ thể, ngoài việc bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm bằng giá trị sản lượng điện năng bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra, bên vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt thấp nhất 2 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng (đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000 kWh đến dưới 20.000 kWh). Theo nhiều người, với mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, đối với trường hợp trộm cắp từ 20.000 kWh có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay việc thực hiện giám định tư pháp, xác định thời gian, số lượng điện năng bị mất... còn nhiều vướng mắc. Bởi vậy, rất khó để có thể xử lý hình sự được các đối tượng cố tình vi phạm.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/bao-dong-van-nan-dien-tac-93206.html